Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch trồng mới 500 ha rừng vào cuối năm 2018, nhằm đạt tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 25,3%.
Người dân trồng cây tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau). Ảnh: ANH TUẤN
Theo đó, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; tập trung làm tốt việc chăm sóc, tra dặm và tổ chức nghiệm thu những diện tích rừng đã trồng để đưa vào quản lý và bảo vệ theo quy định. Các đơn vị, chủ rừng khi thực hiện trồng rừng cần bảo đảm mật độ phù hợp, chú ý khâu chọn cây giống, có thời gian sinh trưởng nhanh và kháng sâu bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cây gỗ (tràm, keo lai...), giúp các doanh nghiệp, hộ dân tham gia có thu nhập ổn định, làm giàu được từ trồng rừng.
Tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tận gốc; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến chặt phá cây rừng và săn bắt trái phép động vật hoang dã, kết hợp công tác tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng mùa khô; kiên quyết không để xảy ra các điểm ‘’nóng’’ về phá rừng; đồng thời chủ động các giải pháp ứng phó tình hình sạt lở rừng phòng hộ xung yếu ven biển...
* Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, trong chín tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã đón hơn 800 nghìn lượt du khách; trong đó gần 747 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 187,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tỉnh đã chỉ đạo ngành du lịch tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo hướng phát triển du lịch Hà Nam trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của vùng đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu đến năm 2020, lượng khách du lịch lưu trú tại tỉnh đạt 2,5 đến ba triệu lượt, trong đó có 190 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Các sản phẩm du lịch được tập trung phát triển như du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch y tế nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch xanh, trong đó trọng tâm là Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng… Tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam; phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham gia các hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch quốc tế; cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá tại các thị trường mới, tiềm năng; đón các đoàn Famtrip (các hãng lữ hành và truyền thông, báo chí…) nước ngoài đến khảo sát, viết bài quảng bá du lịch. Theo UBND tỉnh, du lịch Hà Nam sẽ phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sáng tạo; sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch tâm linh và di tích lịch sử văn hóa.
Ðể quảng bá du lịch Hà Nam, các lễ hội tại địa phương như Tịch Ðiền, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, Lễ hội chùa Long Ðọi Sơn... tiếp tục được tổ chức gắn với hoạt động hội thảo, liên hoan văn hóa ẩm thực... nhằm kết hợp giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển du lịch.
Theo PV và TTXVN