Cập nhật: 30/09/2018 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những thách thức đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra không ít lo ngại đối với hoạt động xuất khẩu (XK) dệt may sang thị trường Mỹ.

XK dệt may sang Mỹ chưa bị tác động nhiều bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nhận diện thách thức

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, tám tháng đầu năm nay kim ngạch XK dệt may đạt gần 20 tỷ USD. Rrong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của các DN trong ngành. Nhiều sản phẩm XK được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.

Dù Mỹ vẫn giữ vững vị trí là thị trường lớn hàng đầu của dệt may Việt Nam nhưng nhiều DN trong ngành đang lo lắng khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến sản phẩm dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng. Đơn cử, nếu phía Mỹ áp thuế, có thể có trường hợp dệt may Trung Quốc chọn Việt Nam là thị trường thay thế. Khi đó, nguy cơ phía Mỹ áp thuế “chống lẩn tránh thuế” cho dệt may Việt Nam có thể xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, VITAS đã xây dựng 3 kịch bản cho vấn đề này. Thứ nhất, Tổng hội dệt may Trung Quốc cho rằng việc đánh thuế đối với mặt hàng dệt may của Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Đây là một con số rất nhỏ, do vậy ngành dệt may Việt Nam không ảnh hưởng nhiều ở trong giai đoạn đầu. Thứ hai, trường hợp có chuyện phía DN Trung Quốc tận dụng các hiệp định thương mại đã ký với Việt Nam để đẩy hàng sang Việt Nam và lấy xuất xứ Việt Nam để tránh thuế thì các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam phải chủ động nâng cao ý thức trong viêc kiểm soát chặt cửa khẩu và thị trường. VITAS cũng khuyến cáo DN trong hiệp hội phải tuân thủ quy định về pháp lý quốc tế.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trường hợp lẩn trốn thuế sẽ khó xảy ra vì bản thân các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ cũng như nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tránh để xảy ra tình trạng này. Bởi nếu gian lận thương mại xảy ra thì sẽ bị các nước khác đánh giá là không minh bạch, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu cũng như nhập khẩu của cả hai bên trong tương lai”, ông Vũ Đức Giang cho hay.

Nâng chất cho dệt may Việt

Để hoạt động XK dệt may sang Mỹ ổn định, ít rủi ro và phát triển bền vững hơn, hiện VITAS đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) để thúc đẩy mối quan hệ tương hỗ giữa ngành dệt may hai nước, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm XK sang thị trường này.

Ông Vũ Đức Giang cho hay, trong năm 2017, Việt Nam là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ với khoảng một tỷ USD giá trị và năm 2018, nhiều khả năng ta vẫn là quốc gia nhập khẩu bông lớn của Mỹ. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam đã có chiến lược phối hợp với CCI để tăng cường nhập khẩu sản phẩm bông Mỹ phục vụ kéo sợi, nhuộm và XK sợi, sản phẩm dệt may vào Mỹ. Việc này không chỉ được phía CCI đánh giá cao mà còn được các DN bông Mỹ tích cực hưởng ứng bằng việc hợp tác, cam kết bán cho DN Việt các sản phẩm bông tốt nhất. Từ sự hợp tác này đã thúc đẩy ngành dệt may của Việt Nam phát triển, sản phẩm dệt may sang Mỹ được truy xuất nguồn gốc tốt hơn và ngược lại, DN - người trồng bông Mỹ cũng có thị trường tiêu thụ ổn định. Phía CCI cũng sẽ hỗ trợ cho VITAS trong chiến lược phát triển đào tạo nguồn lực cho ngành sợi - dệt nhuộm và giải pháp cuối cùng là các chương trình kết nối giữa các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ với các nhà sản xuất Việt Nam...

Ngoài ra, năm 2017, VITAS đã đề nghị CCI tổ chức một tổng kho ngoại quan của bông Mỹ vào Việt Nam, đặt tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Hải Phòng. Bên cạnh đó đề nghị phía Mỹ tạo cơ chế tài chính cho nhà XK của họ nhằm giúp nhà XK có nguồn tài chính dự trữ bông. Qua đó có thể rút ngắn thời gian mua bông cho DN Việt Nam từ một tháng như hiện nay xuống còn 10 ngày hoặc ít hơn. VITAS cũng đề nghị phía Mỹ trao đổi thông tin chất lượng bông theo mùa vụ, cấp giấy chứng nhận cho các nhà sản xuất Việt Nam để trên sản phẩm của DN Việt được gắn logo có sử dụng bông chất lượng cao, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam vào Mỹ. Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đã được thực hiện, giúp sản phẩm dệt may sang Mỹ có giá trị cao hơn. Các vấn đề khác đang được hai bên thảo luận nhằm tìm hướng thực hiện.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may XK, hiện nay, Hội Dệt may TP Hồ Chí Minh đã kết hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại thành phố phối hợp Trung tâm đào tạo của đối tác Singapore để mở các lớp huấn luyện cho lực lượng quản lý, nhân viên kỹ thuật để có thể áp dụng và vận hành công nghệ mới, kể cả việc huấn luyện người lao động nhằm nâng cao kỹ năng đối với các lĩnh vực đang đầu tư. Với những giải pháp kể trên, việc truy xuất nguồn gốc dệt may XK để giảm thiểu rủi ro từ sản phẩm quốc gia khác đã và đang được đẩy mạnh. XK sang Mỹ được kỳ vọng vẫn duy trì tăng trưởng bền vững.

Theo HÀ ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm