Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng đang bị “trượt” theo những biến tướng khó kiểm soát.
Sau gần 2 năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được phổ biến rộng rãi đến nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh sự “nở rộ” của các liên hoan hát văn, hầu đồng được tổ chức quy mô, bài bản và đảm bảo tôn vinh những giá trị của di sản, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng đang bị “trượt” theo những biến tướng khó kiểm soát.
Nở rộ thực hành nghi lễ
Tại Hà Nội, kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở VH&TT Hà Nội năm 2018 chỉ ra, sinh hoạt Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1.900 đền, điện thờ Mẫu ở mỗi tư gia. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ không chỉ diễn ra tại các đền phủ nổi tiếng, quy mô lớn, mà còn diễn ra tại chùa, đền, đình, miếu, trong điện thờ tư gia…, những nơi mà trước đây rất hạn chế những hoạt động này. Thậm chí thực hành tín ngưỡng còn xuất hiện tại các cuộc khai mạc hội nghị, hội chợ hay sự kiện... làm sai lệch giá trị tín ngưỡng.
Tại hội thảo “Bảo tồn phát huy giá trị di tích, lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” diễn ra mới đây, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay việc thực hành nghi thức hầu đồng đang bị biến tướng nghiêm trọng. Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, hầu đồng trong Phủ Trần Triều, tại các chùa, đình và cả các sư cũng tham gia hầu đồng. Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ thường hầu đồng ở mọi ban, thậm chí cả ngoài sân, bật loa đài hết cỡ. Bên cạnh đó, sự bùng phát trình đồng, mở phủ cũng dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh minh họa
Hiện tượng người dân theo hầu đồng chạy đua thứ hạng, phân chia “Đồng sang, Đồng nát” cũng khá phổ biến. Đồng giàu có giá lên tới bạc tỉ, hoặc vài trăm triệu. Đồng nghèo thì chỉ vài triệu cũng 1 giá hầu. Đồng giàu cầu kỳ, kỹ tính chọn cung văn phải là anh văn nức tiếng xa gần. Đồng nghèo không có tiền mời cung văn thì dùng băng đĩa hát hầu. Trước đây, cung văn chỉ có 1 - 2 người, nhưng ngày nay, ban cung văn phát triển đến 5 - 6 người có cả phối âm, phối khí, diễn xướng. Với số lượng cung văn đông, cộng với thiết bị âm thanh chuyên dụng được mở hết công suất, không gian của từng cung hầu chật hẹp, cung nọ lấn át cung kia tạo nên khối tiếng ồn hỗn độn, mất đi vẻ tôn nghiêm nơi bản đền, bản phủ.
GS. Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nhận định: “Tính thương mại và vụ lợi trong thực hành tín ngưỡng thể hiện trong hình thức ban phát lộc, cung cách cầu xin của con nhang đệ tử. Mấy chục năm trước việc hầu đồng còn “sạch”, mỗi giá hầu đều tùy tâm, biện lễ, quần áo cũng đơn giản. Giờ mọi thứ đã thay đổi, nhiều giá đồng người ta còn mang yếu tố thời trang vào lễ phục lên đồng, đưa bài hát mới vào các giá đồng. Đơn cử như các bài hát “Hôm qua em đi chùa Hương”, “Hoa đẹp Chăm pa”, “Em là cô gái Lào”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thậm chí cả múa sạp Tây Bắc... đã làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu”.
Khó kiểm soát biến tướng
Vì đâu việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có chiều hướng phát triển phức tạp, biến tướng, sai lệch so với lễ thức đạo Mẫu. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: “Hầu đồng vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Những tranh luận về nghi lễ hầu đồng cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau. Vấn đề đặt ra là kế thừa như thế nào, chọn thời điểm nào... Chúng ta cần thái độ phê phán, góp ý và tiếp thu để đi đến đồng thuận. Trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm và kiến thức của các thanh đồng, cung văn với nghi lễ truyền thống, bởi họ là những người thực hành và nắm giữ nghi lễ, giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam”.
Có thể thấy, để giải quyết những bất cập này cần có sự điều tra nghiên cứu một cách bài bản tất cả những di tích có liên quan và có thực hành tín ngưỡng để có cơ sở quản lý. Cần chuẩn hóa nghi lễ hầu đồng để có căn cứ chấn chỉnh các nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn những biến tướng trong quá trình thực hành di sản. Cùng với đó, cần đề cao vai trò của những chủ đền, nhất là những người nổi tiếng có uy tín trong giới và những “con nhang, đệ tử” để tạo được ảnh hưởng của họ đối với việc thực hành tín ngưỡng một cách bài bản. Mặt khác ở góc độ chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước kiên quyết với những thực hành trái đạo lý truyền thống để ngăn chặn, như vậy sẽ tạo ra được môi trường lành mạnh cho hoạt động này trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu lần thứ IV, năm 2018 (từ 1 - 3/10/2018) tại Đền Thiên Vương Thịnh, xã Đông Dư, UBND huyện Gia Lâm, nhiều thanh đồng tham gia liên hoan cũng cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nhận diện quá trình thực hành tín ngưỡng một cách cụ thể, nâng cao hiểu biết chuyên môn, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật... để định hướng và đưa ra một quy chuẩn mẫu trong thực hành tín ngưỡng, xây dựng thành văn bản có sự chọn lọc để mọi người hiểu và thực hành theo đúng nghi lễ cổ truyền, để trong thực hành nghi lễ, nhất là nghi lễ hầu đồng được đúng đắn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này./.
Theo Hân Vũ/VOV.VN