Từ năm 2019, kỳ thi vào lớp 10 sẽ có thêm môn Ngoại ngữ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn giáo viên băn khoăn và đề xuất về việc ra đề thi.
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chốt phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn được công bố vào tháng 3/2019. Môn tự chọn sẽ là một trong các môn sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Đa phần các lãnh đạo, giáo viên đều đồng thuận với phương án thi vào lớp 10 mà Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chốt. Tuy nhiên, với môn thi Ngoại ngữ, vẫn còn giáo viên bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm học 2018-2019
Đề thi không nên quá chênh lệch và cần giới hạn trọng tâm
Cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy tiếng Anh, trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy Hà Nội bày tỏ: Thông tin bắt đầu từ năm 2019, học sinh lớp 9 khi thi tuyển vào lớp 10 sẽ thi thêm môn Ngoại ngữ không phải là quá bất ngờ với giáo viên, học sinh. Bởi vì từ 2 năm trước, các thầy cô giáo và học sinh đã được nghe là thời gian tới sẽ thi thêm môn học này nên đã có sự chuẩn bị.
Để thi tốt môn Ngoại ngữ (tiếng Anh) thì học sinh phải có sự trang bị kiến thức trong suốt cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có nhiều phụ huynh chủ quan là không thi Ngoại ngữ hoặc chưa thực sự quan tâm đến việc học của con nên vẫn có nhiều em bị hổng kiến thức từ những năm cấp Tiểu học.
Nếu em nào bị hổng kiến thức những năm cấp Tiểu học thì rất khó khăn trong việc học tập, ôn luyện ở cấp THCS.
Cô Hồng Hạnh cũng cho biết thêm, hiện nay ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, có trường vẫn dạy theo sách giáo khoa tiếng Anh cũ nhưng cũng có trường giảng dạy theo sách tiếng Anh mới nên về mặt Từ vựng thì có sự chênh lệch nhau, khác biệt về chủ đề, chủ điểm. Vì vậy, sẽ có tình trạng học sinh ở trường A hiểu rõ về một chủ điểm đã được học nhưng không hiểu rõ hết chủ điểm khác mà học sinh ở trường B được học mình lại không được giảng dạy.
Theo cô Hồng Hạnh, việc ra đề môn Ngoại ngữ không nên quá chênh lệch giữa kiến thức mà học sinh đang học theo sách giáo khoa tiếng Anh cũ và mới. Khi ra đề, Sở GD-ĐT Hà Nội có thể xem lại tất bài kiểm tra học sinh theo định kỳ của các trường cũng như lấy ý kiến của giáo viên cấp Tiểu học và THCS.
Mặt khác, Sở cũng nên sớm công bố đề thi minh họa môn tiếng Anh với những nội dung trọng tâm để giáo viên, học sinh dễ dàng ôn luyện hơn.
Để kỳ thi lớp 10 năm 2019 đạt hiệu quả cao, nhiều giáo viên cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội cần ra đề thi minh họa sát với đề thi chính thức (ảnh minh họa)
Nên có hướng dẫn ôn luyện cụ thể, tránh dạy thêm tràn lan
Là Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Khang nêu quan điểm không cần thiết phải thi nhiều môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, phương án có thêm bài thi tổ hợp khiến thí sinh phải thi tổng cộng 6 môn.
Tuy nhiên, đến tháng 3 hàng năm, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố bài thi tổ hợp chính thức để thí sinh dự thi vào lớp 10. Như vậy, thí sinh phải luôn ở trong tình trạng học tập, ôn luyện cả 9 môn để chuẩn bị cho kỳ thi này.
Việc có thêm bài thi tổ hợp là giúp học sinh học tập toàn diện hơn nhưng thực tế là học sinh sẽ học tập, ôn luyện rất căng thẳng. Mặt khác, thời gian để thực hiện phương án thi này chỉ có thể là 4 năm vì đến năm 2021, các trường sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bằng sách giáo khoa mới.
Theo đó, ở cấp THCS sẽ không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nữa mà thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên. Các môn Lịch sử, Địa lý sẽ không còn riêng biệt như hiện nay.
Vì vậy, việc Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chốt phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 là hợp lý nên học sinh không phải học hành quá căng thẳng.
Năm nay có thêm môn Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn nên để kỳ thi có hiệu quả, ông Xuân Khang cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội nên ra đề thi minh họa gần với đề mà học sinh sẽ thi chính thức để giáo viên và học sinh dễ dàng giảng dạy, ôn tập.
Ngoài ra, Sở có thể đưa ra thêm những hướng dẫn cụ thể với các môn, đặc biệt là với môn Ngoại ngữ để giáo viên, học sinh tiếp cận với phương thức thi mới hiệu quả nhất.
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội nêu quan điểm, việc ra đề thi làm sao vừa đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ quan và có tính phân loại để tuyển chọn học sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, Sở cũng nên giám sát việc giảng dạy, ôn luyện để tránh tình trạng học thêm-dạy thêm tràn lan gây áp lực với học sinh và phụ huynh./.
Theo Bích Lan/VOV.VN