Sáng 9-10 (ngày 1-7 Chăm lịch), hàng nghìn đồng bào Chăm tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã chính thức tổ chức Lễ hội Ka-tê năm 2018 theo nghi lễ truyền thống tại các đền tháp. Lễ hội Ka-tê truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đã được Nhà nước đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2017.
Du khách thập phương đến tháp Pô Klong Ga rai (Ninh Thuận) xem các nghi thức cúng Lễ hội Ka-tê.
Sáng 9-10 (ngày 1-7 Chăm lịch), tại tháp Pô Klông Ga rai, phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nơi thờ vị vua Pô Klong Garai (1151 – 1205), người được dân tộc Chăm suy tôn là “Thần Thủy lợi”, hàng nghìn đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn đã chính thức tổ chức Lễ hội Ka-tê năm 2018 theo nghi lễ truyền thống tại các đền tháp.
Đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn xem Lễ hội Ka-tê là ngày Tết hằng năm của cộng đồng mình. Đây là dịp để tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì làm mưa thuận gió hòa cho bà con sản xuất được mùa, mọi gia đình được no cơm, ấm áo.
Một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức, tại các đền tháp Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức, tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, hàng nghìn đồng bào dân tộc Chăm, Ra Glai đã tề tựu, làm lễ đón rước y trang của nữ thần Pô Nưgar – Thần mẹ thủy tổ của người Chăm. Tương truyền, vị thần này đã dạy cho con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ đến ngày nay.
Lễ hội là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị kỹ - mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm để cùng hòa với nền văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần làm cho “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã đến dự, tặng quà chúc mừng các vị chức sắc và đồng bào Chăm. Không khí lễ hội càng nhộn nhịp hơn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân đến chung vui cùng tiếng trống Ginăng, tiếng kèn Saranai và vũ điệu truyền thống của thiếu nữ Chăm.
Nghi lễ chính thức tại tháp Pô Klong Garai kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày. Trong ba ngày tiếp theo, tại các vùng đồng bào Chăm tổ chức nhiều hoạt động vui đón lễ hội, đi thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn xảy ra trong năm cũ, hướng tới đời sống dung hòa, đong đầy tình yêu thương tình làng nghĩa xóm….
Năm 2017, đồng bào Chăm Ninh Thuận vui mừng đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Ka-tê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giờ đây, có thể nói, Lễ hội Ka-tê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Ra Glai ở Ninh Thuận.
Chùm ảnh các hoạt động diễn ra trong Lễ hội Ka-tê tại Ninh Thuận:
Biễu diễn văn nghệ trong lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar từ thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, về làng Chăm Hữu Đức, huyện Ninh Phước.
Các chức sắc của đồng bào Chăm thực hiện nghi lễ cúng thần linh, cầu xin được độ trì mưa thuận gió hòa... tại tháp Pô Klong Ga rai.
Chuẩn bị sản vật cho lễ cúng chính thức tại Lễ hội Ka-tê.
Du khách nước ngoài đến chung vui và tìm hiểu nét truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm trong Lễ hội Ka-tê tại tháp Pô Klong Ga rai.
Đồng bào Chăm ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước rước y trang của nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar từ thôn Giá, xã Phước Hà, do đồng bào Ra Glai trao trước một ngày để đưa đến làm lễ tại tháp Pô Klong Garai.
Đồng bào Ra Glai xã phước Hà, huyện Thuận Nam, biểu diễn đánh mã-la trong lễ cúng xin phép tổ tiên để mang y trang của nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar trao cho đồng bào Chăm.
Đồng bào Ra Glai xã Phước Hà, làm lễ cúng xin phép thần linh, tổ tiên trước khi mang y trang của nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar trao cho đồng bào Chăm chuẩn bị các nghi thức cúng đền tháp của Lễ hội Ka-tê.
Đông đảo đồng bào Chăm mang các lễ vật đến cúng dâng thần linh, tổ tiên tại tháp Pô Klong Grai trong ngày diễn ra lễ chính thức.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận tặng quà chúc mừng Lễ hội Ka-tê cho các vị chức sắc và đồng bào Chăm tại tháp Pô Klong Garai.
Phụ nữ Chăm duyên dáng trong các vũ điệu múa quạt vui đón Lễ hội Ka-tê hằng năm.
Tiếng trống Ginăng với các nhạc điệu Chăm không thể thiếu trong Lễ hội Ka-tê.
Theo nhandan.com.vn