Cập nhật: 11/10/2018 14:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà văn hóa, nhà báo Hữu Ngọc năm nay vừa tròn 100 tuổi. Hơn 70 năm cầm bút viết sách, viết báo, với vốn kiến thức sâu rộng của mình, ông là người bắc cầu nối quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới, trong đó có một phần quan trọng về Hà Nội - mảnh đất đã gắn bó với ông gần trọn một thế kỷ, nơi đem lại cho ông một nguồn cảm xúc sáng tạo không ngừng.

Nhà văn hóa, nhà báo Hữu Ngọc. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vẫn vô cùng minh mẫn ở tuổi xưa nay hiếm, nhà văn hóa Hữu Ngọc lật dở những trang sách và chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện thú vị quanh cái tên thường gọi: “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa Việt ra thế giới" và tâm nguyện lớn nhất của ông là từ giờ đến cuối đời hoàn thành nốt 2 cuốn sách, trong đó có những trang viết về Hà Nội.

Sinh ra ở mảnh đất Thuận Thành, Bắc Ninh nhưng có lẽ chữ “duyên” đã khiến ông gắn bó và dành tình yêu lớn đến vậy với Hà Nội. Cũng chính tình yêu đó đã đưa ông trở thành “cầu nối” đưa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt nói chung ra với công chúng thế giới qua những câu chuyện, những trang sách chứa đựng vốn sống, sự uyên bác, cẩn trọng và cầu thị của một “cây đa, cây đề” đáng kính.

Ông kể, thủa nhỏ ông theo học Trung học tại trường Bưởi - trường đào tạo tú tài bản xứ cho riêng người Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học tại Đại học Luật. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra, ông bỏ học và đi dạy ở một trường trung học tại Huế. Đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, lúc bấy giờ Chính phủ lâm thời cử một đoàn công tác do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu từ Thủ đô vào Huế để nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại trao lại. Trong đoàn công tác đó có anh bạn của ông là nhà thơ Huy Cận. Khi vào Huế, Huy Cận có gặp ông và bảo phải ra Hà Nội đi vì ở Hà Nội rất cần những người biết ngoại ngữ để giao thiệp với các đoàn nước ngoài.

Ra Hà Nội vào chiều 2/9/1945, sau đó ông về ở tạm tại Thư viện Trung ương cùng nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu. Ở đây được khoảng một tuần nhưng chưa thấy có việc gì cụ thể, ông theo một anh bạn về dạy tiếng Anh tại một trường trung học ở Nam Định. Cũng tại đây, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn Hóa cứu quốc của Nam Định và làm Tổng Biên tập một tờ báo tiếng Pháp. Đến năm 1954, ông làm Tổng Biên tập 2 tờ báo tiếng Anh và tiếng Pháp (tên dịch ra tiếng Việt là: Việt Nam tiến bước); tiếp đó là Phó Giám đốc, Giám đốc Nhà Xuất bản Ngoại văn… Sau khi về hưu, ông tham gia cộng tác cho tờ báo News, viết về chuyên mục về văn hóa trong vòng 16 năm. Đồng thời, ông cũng được mời viết về văn hóa Việt Nam cho tờ Le Courrier du Viet Nam (Tin tức Việt Nam). Trong khoảng thời gian công tác của mình, ông đã nhiều lần được cử đi nước ngoài để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế...

Ông nói, cuộc đời mình là một chuỗi những điều “ngẫu nhiên”. Tuy nhiên, đây không phải là duy tâm mà nó là sự ngẫu nhiên khoa học. Theo cách học của ông, nếu có 1.000 từ thì giao tiếp được, có 3.000 từ thì đọc sách được, mấy tháng dẫn tù binh, ông cũng đọc hết một cuốn tiểu thuyết trinh thám tiếng Đức...

“Ngẫu nhiên mình đi dạy học, rồi lại ngẫu nhiên làm công tác địch vận, viết báo, trở thành Tổng Biên tập những tờ báo đối ngoại, Giám đốc NXB Ngoại văn, ngẫu nhiên trở thành một người ‘xuất nhập khẩu văn hóa’ như mọi người vẫn gọi”, Nhà văn hóa Hữu Ngọc vui vẻ nói.

Tuy nhiều người nói Hữu Ngọc là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, nhưng trước hết ông không tự đặt mình là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà luôn nghĩ mình là một người hưởng thụ văn hóa. Chính với suy nghĩ đó mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đi nhiều, viết nhiều và truyền tải tới người yêu thích văn hóa như ông. Đến nay, trong số 34 cuốn sách về di sản văn hóa Việt Nam mà ông đã viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và cả bằng tiếng Việt thì một phần không nhỏ là viết về Thủ đô thân yêu, trong đó có 7 quyển viết riêng về Hà Nội.

Với ông, văn hóa Hà Nội là những điều rất đỗi thân quen như tranh Hàng Trống, tháp Rùa, Văn Miếu, phố cổ, những món ăn cổ truyền ngày Tết, những lễ hội, phong tục tập quán, hay đơn giản là những hàng cây ven đường... Vì thế, trong sách của ông, người đọc luôn nhận thấy hình ảnh một Hà Nội xưa thanh bình, mộc mạc mà thấm đẫm tình người.

Trong số sách mà Hữu Ngọc viết về Thủ đô phải kể đến cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” viết bằng tiếng Pháp. Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của ông và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Thủ đô cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm năm 1997.

Không thuộc nhóm những người có nhiều tác phẩm nhất về Hà Nội, nhưng nhà văn hóa Hữu Ngọc lại là người có nhiều tác phẩm về Hà Nội viết bằng ngoại ngữ hơn cả. Năm 2010, nhân dịp Hà Nội tròn 1.000 năm, ông tiếp tục cho ra mắt 10 cuốn sách “Ha Noi, Who are you” bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi cuốn sách là một câu chuyện đặc biệt giới thiệu về lịch sử Hà Nội; năm 2011, ông xuất bản cuốn “Hà Nội của tôi” giúp bạn đọc tìm hiểu những nét truyền thống của Hà Nội.

Ngoài ra ông còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về Việt Nam và các nước trên thế giới như: “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”, “Văn hóa Thụy Điển”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, “Khám phá văn hóa Việt Nam”, “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”…

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2017. Ông đã được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương Ngôi sao Phương Bắc, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, Cành cọ Vàng cùng nhiều danh hiệu cao quý khác… Năm 2018, nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô, nhà văn hóa Hữu Ngọc được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú.

Theo Diệu Anh/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm