Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp, dư luận quốc tế đã có nhiều bài viết với đánh giá chung "trong khi một số nền kinh tế châu Á đang phải vật lộn với khó khăn, Việt Nam vẫn đang tiến lên phía trước"!
Thành tựu kinh tế “đáng kinh ngạc”
Với chủ đề này, tờ MoneyWeek - tạp chí chuyên ngành tài chính hàng đầu của Anh đã có bài viết về những thành tựu kinh tế của Việt Nam.
Mở đầu bài viết, tác giả Marina Gerner trích dẫn nhận định của chuyên gia Sri Jegarajah được đăng tải trên kênh CNBC (Mỹ) rằng: “Hiện tại, Việt Nam đang bất chấp sự căng thẳng ở các thị trường mới nổi giữa lúc các đối thủ trong khu vực vẫn đang gặp khó khăn trước những rủi ro thương mại và đồng USD ngày càng mạnh hơn, trong quý III năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ lên tới 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Bên cạnh đó, chuyên gia Eoin Treacy của tổ chức tài chính Fuller Money nhận xét: “Việt Nam được hưởng lợi nhờ có một chính quyền thân thiện và cũng như nhờ có mong muốn đạt được tiến bộ, từ một thị trường mới nổi trở thành một điểm đến đầu tư thông thường có sức hấp dẫn hơn. Hệ thống quy định đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam đã dần được tự do hóa”.
Tác giả dẫn số liệu: Việt Nam là một quốc gia dân số trẻ với khoảng 70% trong số hơn 90 triệu người thuộc độ tuổi từ 15-64. Nhờ cơ cấu dân số vàng này mà Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động lớn cũng như có một nguồn khách hàng tiêu dùng khổng lồ trong những năm tới. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến tăng từ 12 triệu người năm 2012 sẽ lên tới 33 triệu người vào năm 2020. Nhờ lực lượng tiêu dùng gia tăng, doanh số bán lẻ của Việt Nam đã tăng trưởng 10,9%, lên mức kỷ lục 130 tỷ USD hồi năm 2017. Xét bối cảnh như vậy, sẽ không có ai có thể nghi ngờ khi Việt Nam thu hút được lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức kỷ lục 17,5 tỷ USD trong năm 2017.
Từ Hoa Kỳ, VOA News nhận định, sự ổn định về chính trị dẫn đến sự ổn định về kinh tế tại Việt Nam. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo có thể đạt mức 7% trong năm nay. Lạm phát đang ở mức ổn định. Tăng trưởng trong xuất khẩu, chế tạo, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang tăng trưởng tốt cùng với nhiều chỉ số khác. Rõ ràng, Việt Nam nổi lên là điểm đầu tư kinh doanh hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, sự ổn định về chính trị ở Việt Nam chính là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam được tham gia vào một thị trường tự do dưới sự quản lý của Nhà nước.
"Việt Nam rất có thể sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao nhất khối ASEAN trong năm 2018 và 2019 như đã từng đạt được hồi năm 2017", chuyên gia kinh tế châu Á Chidu Narayanan của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Nhà đầu tư vững niềm tin
Cũng từ những thành tựu kinh tế của Việt Nam, nhà báo Clara Ferreira Marques viết trên mạng Breakingviews rằng “không hề bất ngờ" khi các công ty lớn nhất ở Việt Nam thường được định giá cao, ví dụ, Công ty Sữa Vinamilk được giao dịch với hệ số giá trên thu nhập P/E cao gấp 23 lần so với mức 17 lần của Công ty Danone (Pháp).
Mặc dù các thị trường mới nổi ở châu Á có phần ảm đạm nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, theo VOA. Và nếu Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng Việt Nam lên địa vị thị trường mới nổi, điều này có thể kích thích một dòng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD đổ vào Việt Nam – mức cao hơn hẳn so với chỉ số trung bình của các thị trường mới nổi.
Tương tự như vậy, Warburg Pincus - một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới - vừa rót vốn thêm vào lĩnh vực ngân hàng và kho vận (logistics) tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của họ tại đây lên tới hơn 1 tỷ USD.
Các hãng ô tô như JAC Motors (Trung Quốc), Kamaz (Nga) gần đây cũng trở lại Việt Nam song hành cùng các nhà đầu tư quốc tế khác, trong đó phải kể đến hãng vận tải Gojek của nước láng giếng Indonesia và hãng viễn thông Ooredoo của quốc gia Trung Đông Qatar.
Cũng nói về sự tăng trưởng của Việt Nam, tờ Nikkei Asia nhận định: Điều kiện kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu về phương tiện vận tải bao gồm các tàu lớn ngày càng tăng. Trước khi cảng Lạch Huyện chính thức đi vào hoạt động, cảng Hải Phòng chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ do mực nước cạn. Những tàu này sẽ chở hàng đến Hongkong (Trung Quốc) hoặc những nơi khác, sau đó hàng hóa tiếp tục được chuyển lên các container lớn. Cảng Lạch Huyện cũng có thể giúp hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ Việt Nam đến Mỹ hoặc châu Âu mà không phải qua cảng trung gian nào.
Các tàu lớn cập cảng sẽ phục vụ nhu cầu vận chuyển của khu vực miền Bắc Việt Nam, khu vực đang có xu hướng chuyển đổi thành trung tâm sản xuất. Các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Electronics hiện được đặt tại miền Bắc và các nhà máy này đang "nuôi dưỡng sự phát triển của một chuỗi cung ứng tại Việt Nam".
Chiến lược kinh tế của Việt Nam được thấy rõ qua các hiệp định thương mại ký kết với các nước. Thông qua ASEAN, Việt Nam ký kết hợp tác với nhiều đối tác như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và nhiều hiệp định quan trọng khác, trong đó có FTA với Nga và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp châu Âu rất tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên. Đây là tín hiệu vui cho các thành viên của EuroCham cũng như đó là nhân tố thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Công Trí /Chinhphu.vn