Cập nhật: 13/10/2018 11:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, tại một số địa phương, nhất là các tỉnh phía nam, số người mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM kịp thời và hiệu quả.

Khám, điều trị bệnh tay, chân, miệng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Trong những tuần gần đây, số người đến khám, điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp tục gia tăng đột biến và chưa có chiều hướng giảm trong thời gian tới. Có mặt tại Khoa Y học nhiệt đới Nhi - Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) chúng tôi nhận thấy: Do số bệnh nhi điều trị TCM đông, các bác sĩ đã phải kê thêm giường bệnh dọc các hành lang. Theo Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới Nhi - Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ cho biết, có 94 bệnh nhi đang điều trị tại khoa, trong đó hiện có bốn cháu bệnh nặng đang được các bác sĩ điều trị tích cực. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.600 bệnh nhi mắc TCM nhập viện điều trị và gần 3.800 bệnh nhi mắc TCM được khám và cho về điều trị ngoại trú…

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh TCM, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, nhằm phát hiện và chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả. Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều chiến dịch ra quân làm sạch môi trường phòng, chống dịch bệnh mùa cao điểm, đặc biệt là bệnh TCM, với mục tiêu không để bệnh TCM bùng phát thành dịch.

Tại tỉnh Bình Dương, số ca bệnh TCM cũng khá nhiều. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 3.804 trẻ mắc TCM, tăng 6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số ca mắc bệnh TCM tăng đột biến tập trung vào hai tháng 8 và 9, với tổng số là 2.449 trẻ. Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương), bác sĩ Quách Hoàng Mỹ cho biết: Nguyên nhân dẫn đến số mắc TCM thời gian qua tăng là do đã đến mùa tựu trường, học sinh đi học trở lại bị lây bệnh từ nhau, nhất là tại các nhóm giữ trẻ gia đình có điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, vệ sinh không tốt.

Do bệnh TCM chưa có vắc-xin tiêm phòng, không có thuốc đặc trị, cho nên hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng và chống biến chứng. Vì vậy, bên cạnh việc ngành y tế chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để phòng ngừa, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh TCM gây ra, cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh TCM như: rửa tay bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh ăn uống, bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo cho cơ quan y tế gần nhất… Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết: Tại Việt Nam, bệnh TCM thường bùng phát từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, nhất là vào đầu năm học mới. Theo số liệu thống kê, trong chín tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 62 nghìn người mắc TCM, trong đó có gần 30 nghìn người nhập viện và đã có sáu người chết. So cùng kỳ năm 2017, số người mắc TCM trên cả nước giảm 18,9%, số người nhập viện giảm 14,9%. Tuy nhiên, tại một số địa phương, số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội. Đáng chú ý, số mắc TCM chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm 99,5%.

Theo dự báo của Bộ Y tế, bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị giám đốc sở y tế, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM. Các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện và trong các cơ sở điều trị; đặc biệt tránh lây chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh TCM tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh TCM tại các trường học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM trên phạm vi toàn quốc… 

Theo ĐÀO BÌNH TUYẾN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm