Ngày 16-10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức triển lãm chân dung các nhà khoa học nữ. Chương trình mang tên “Cháy mãi những đam mê”.
Triển lãm là không gian trưng bày, kể những câu chuyện của 15 nhà khoa học nữ Việt Nam. Tuy các chị công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, nông nghiệp, môi trường, giáo dục, kinh tế, xã hội, hoạt động vì cộng đồng… nhưng điểm chung là họ đã sống cùng đam mê, khát khao nghiên cứu, sáng tạo, vượt qua mọi rào cản, những tổn thương, mất mát, để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có hiệu quả, tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người, làm xã hội tốt đẹp hơn.
Chân dung những nhà khoa học nữ Việt Nam được trưng bày tại tại triển lãm là những gương mặt quen thuộc như GS.TS Nguyễn Thị Lang, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, PGS.TS Bạch Khánh Hòa, PGS.TS Hà Thị Thúy, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, TS Nguyễn Thị Mùa, TS Trần Thị Ngọc Dung, PGS.TS Tăng Thị Chính, TS Hà Phương Thư, thạc sĩ Đàm Thị Lan, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, cử nhân Ngụy Thị Khanh.
Chương trình như một món quà mang tình cảm trân trọng đến những nhà khoa học nữ Việt Nam, những người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chương trình là một hoạt động ý nghĩa về các nhà khoa học nữ. 15 nhà khoa học nữ được giới thiệu trong triển lãm có công việc, vị trí khác nhau, nhưng đều chung một niềm đam mê sáng tạo với khoa học, phục vụ cho đất nước.
Triển lãm gồm ba nội dung chính: Khởi nguồn đam mê, Hành trình sáng tạo, Cháy mãi ước mơ. Thông qua những chia sẻ, tâm sự, những bức ảnh tư liệu, hiện vật, những đoạn phim… của chính người trong cuộc, triển lãm mang tiếng nói của các nhân vật đến gần hơn với công chúng, để xã hội thấu hiểu hơn về cuộc sống của các nhà khoa học nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình với những yêu thương, lo lắng hằng ngày.
Khởi nguồn đam mê có thể là ước mơ từ trên giảng đường, từ cái duyên với nghề từ khi còn thơ bé, hay từ những băn khoăn trăn trở về những vấn đề của đời sống xã hội. Như lời tâm sự của GS.TS Nguyễn Thị Lang, chuyên gia nghiên cứu giống lúa, người được coi là “bà mẹ lúa”: “Tuổi thơ tôi gắn với đồng ruộng. Thấy ba má và những người nông dân ai cũng nai lưng ra làm mà vẫn cực khổ do năng suất lúa thấp, tôi ước làm sao có giống lúa tốt, năng suất cao, ngắn ngày để tăng hiệu quả kinh tế giúp ba má tối và người nông dân đỗ khổ. Ước mơ đó cứ lấn dần để tôi có động lực theo đuổi nghiên cứu về cây lúa”.
Các câu chuyện tập trung giới thiệu quá trình lao động khoa học, những khó khăn, rào cản, mà những người phụ nữ làm khoa học vượt qua, tinh thần quyết tâm, kiên trì theo đuổi mục tiêu, điểm tựa từ gia đình và những thành quả mà các chị đạt được. Với họ, nghiên cứu khoa học là cuộc hành trình mà khi đã dấn thân vào thì sẽ yêu, theo đuổi, đam mê và chưa bao giờ cho phép mình dừng lại.
Triển lãm cũng muốn gửi đi thông điệp “Khoa học chính là cuộc sống”. Hãy ước mơ, hãy dấn thân với đam mê, sáng tạo, tìm ra những giá trị gắn kết và phục cụ cuộc sống, đồng thời tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học nữ Việt Nam. Bằng sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình, các chị là những người không chỉ phục vụ cuộc sống người dân, mà còn góp phần đưa khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Cũng trong triển lãm này, người xem cũng có cơ hội gặp gỡ hai nữ họa sĩ Trần Thanh Thục và Ngô Đình Bảo Vi qua những tác phẩm nghệ thuật ghép vải và Trúc Chỉ. Những tác phẩm của các chị được giới thiệu là những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc Việt Nam. Họ cũng đã cháy hết mình với niềm đam mê nghệ thuật, luôn trăn trở để tìm ra hướng đi mới trên con đường sáng tạo của mình
Sự kiện diễn ra trong vòng một tháng, tới ngày 16-11, tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Theo NGÂN ANH/nhandan.com.vn