Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc phát triển thực sự ấn tượng.
Ảnh minh họa
Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018).
Theo báo cáo tổng kết của Bộ, ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.
Ở bậc mầm non, ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non được tăng cường. Vì thế, chất lượng giáo dục ở bậc học này ngày càng được nâng lên.
Với giáo dục phổ thông, đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá được xác định là khâu đột phá để thực hiện Nghị quyết 29. Việc đổi mới thi theo hướng coi trọng sự phát triển cá nhân (bỏ việc chấm điểm, xếp loại với học sinh tiểu học), chú ý tới vận dụng kỹ năng và giảm áp lực thi cử (tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, đề thi thay đổi theo hướng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn).
Với giáo dục phổ thông đại trà, kết quả kỳ thi PISA năm 2015, học sinh Việt Nam đứng vị trí thứ 8 về khoa học, 22 về toán học và 32 về đọc hiểu so với 72 quốc gia tham gia. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021.
Với giáo dục mũi nhọn, kết quả các kỳ thi Olympic đã có những bước tiến vượt bậc từ năm 2013 đến nay, so với các năm trước đó. Đặc biệt, năm 2017, các đội học sinh thi Olympic đều đạt thành tích cao kỷ lục, Việt Nam giành 14 huy chương vàng, gấp 7 lần so với các năm 2010 và 2011. Năm 2018, Việt Nam cũng đoạt 38 huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, ở các kỳ thi Olympic.
Với bậc đại học, đào tạo đã bắt đầu gắn kết với nhu cầu lao động. Bộ đã có những điều tiết như không tăng chỉ tiêu khối ngành kinh tế, cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, khuyến cáo người học về ngành học đã bão hòa nhu cầu nhân lực.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng ngành giáo dục vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.
Tiến độ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm 2 năm, dự kiến đến năm 2020 mới có thể bắt đầu triển khai trong khi theo lộ trình của Chính phủ là từ năm 2018.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi có đổi mới nhưng chưa đồng bộ: Cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học, còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập. Chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp. Giáo dục phổ thông chuyển sang định hướng đánh giá năng lực, trong khi giáo dục đại học vẫn đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp học phần.
Đổi mới thi trung học phổ thông tuy đã giảm được áp lực và tốn kém nhưng vẫn còn có sự chưa phù hợp về đề thi, còn lỗ hổng trong quy trình dẫn đến gian lận thi cử nghiêm trọng trong năm 2018.
Trước những bất cập trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ nỗ lực để khắc phục trong thời gian tới và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29.
Theo Chinhphu.vn