Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng quyết định đến chất lượng và sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Sau 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đội ngũ này của nước ta đã tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước.
Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hoàng Đức Minh, tính đến tháng 8-2018, toàn quốc có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Trong đó, giáo viên mầm non có hơn 316 nghìn; tiểu học hơn 397 nghìn; trung học cơ sở (THCS) hơn 310 nghìn, trung học phổ thông (THPT) hơn 150 nghìn; đại học (ĐH) hơn 72 nghìn giảng viên. Về cơ bản, giáo viên ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%, đại học 82,7%. Đây là tiền đề để Bộ GD và ĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong sửa đổi Luật Giáo dục.
Đáng chú ý, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp những năm qua được chú trọng. Bộ GD và ĐT cũng như địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Công tác này được các địa phương quan tâm triển khai, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhiều Sở GD và ĐT đã tích cực chủ động phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng đội ngũ. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư, thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách nhà nước, học bổng hiệp định và các chương trình học bổng khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng viên của Việt Nam. Những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên,... góp phần nâng cao đời sống của giáo viên.
Nhiều địa phương tổ chức đều đặn hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, nhằm động viên giáo viên phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Giang, Nguyễn Thị Ngọc Thu cho biết: Hằng năm, Sở tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... Sau 5 năm, Bắc Giang đã tổ chức 243 lớp bồi dưỡng cho hơn 24 nghìn lượt cán bộ, giáo viên. Đến nay toàn bộ cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Còn tại Lào Cai, trong 5 năm qua, các cơ sở giáo dục đã có hơn 2 nghìn người tham gia các chương trình đào tạo nâng cao trình độ; toàn bộ cán bộ quản lý tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về giáo dục; trên 22 nghìn lượt người hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên và tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng hằng năm... Sự nỗ lực của ngành giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mỗi cấp, bậc học. Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non (GDMN), Bộ GD và ĐT Nguyễn Bá Minh: Một trong những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trong 5 năm qua, chính là việc đội ngũ giáo viên ngày càng tăng về số lượng, từng bước chuẩn hóa về chất lượng, tác động tích cực trong việc hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên cả nước vào năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số địa phương, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW vẫn bộc lộ một số bất cập. Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường sư phạm còn bất cập; chưa tạo thành mạng lưới để phối hợp hiệu quả hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trên phạm vi toàn quốc. Số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến số lượng giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ. Toàn quốc hiện nay thiếu 34.641 giáo viên mầm non và 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên THCS và 4.260 giáo viên THPT; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Một số địa phương đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội.
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Hoàng Đức Minh cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng, ban hành chuẩn nghề nghiệp theo tinh thần tiếp cận năng lực. Trong hoạt động sư phạm sẽ đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên dựa theo chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp... Toàn ngành triển khai dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước… Ngành giáo dục xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
QUỲNH NGUYỄN - NGUYÊN KHÔI
Theo nhandan.com.vn