Cập nhật: 21/10/2018 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðỉnh Chiêu Lầu Thi nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), thuộc dãy núi Tây Côn Lĩnh, vốn nổi danh là một trong những dãy núi cao, có quần thể sinh thái đa dạng nhất khu vực phía bắc của Tổ quốc. Nơi đây, các dân tộc thiểu số như Dao, Nùng, La Chí, Mông... cùng sinh sống, với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo càng giúp cho vùng đất này thêm sức cuốn hút du khách.

Khách du lịch khám phá đỉnh Chiêu Lầu Thi.

Chiêu Lầu Thi, theo cắt nghĩa của người dân tộc Dao địa phương là chín bậc thang lên trời. Theo kể lại, thời còn cai trị Ðông Dương, thực dân Pháp muốn xây dựng căn cứ trên đỉnh Chiêu Lầu Thi để tiện quan sát một vùng rộng lớn đất Hà Giang, nên đã cho thợ đục chín bậc đá dẫn lên đỉnh núi. Ðịa danh huyền thoại ấy, nay là nơi du khách thập phương vượt nghìn dặm tìm đến để "săn" mây và ngắm cảnh bình minh.

Từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, ngược dốc vào xã Hồ Thầu là những vòng cung lướt trên những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín vàng. Vượt năm bảy khúc cua, đến đất Hồ Thầu, vẫn là rừng vầu, đồi chè cùng những cây cổ thụ, nhưng điểm xuyết đây đó là sắc xanh, đỏ của lá rừng và rêu vốn chỉ xuất hiện ở miền đất này.

Hai bên đường là những vách ta-luy xanh ngắt, tô điểm vài cây thông đất bé nhỏ vươn mình bám trụ. Vào sâu hơn địa phận của xã Hồ Thầu, người chưa quen thì cần một chút thời gian để làm quen với áp suất không khí loãng ở độ cao hơn một nghìn mét. Mây từng đợt tràn trên các đỉnh xanh xuống, phủ lấy những bản làng lác đác năm bảy nóc nhà.

Cảnh sắc thanh bình đến kỳ lạ khiến mệt nhọc sau bao nhiêu vòng cua hiểm trở tan biến, lòng người dịu đi. Vào gần trung tâm xã, khi nghe nói phải vượt 10 km đường dốc đất mới tới đỉnh Chiêu Lầu Thi, không khỏi khiến nhiều người nhụt chí. Nhưng, những vách rêu đỏ tía đậm màu, những đồi núi phủ lớp áo xanh, đỏ như mời gọi bước chân du khách, cho nên không một ai muốn dừng lại. Trong hành trình lên với đỉnh Chiêu Lầu Thi, dù dừng chân nghỉ ngơi ở bất kỳ đâu, du khách cũng bị những màu sắc của núi rừng mê hoặc.

Ðầu tiên là những đồi chè cổ thụ, thân bám đầy rêu xanh thùa lùa không ai biết được trồng từ lúc nào, nhưng giờ đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người Dao đỏ nơi đây. Cảnh sắc của Hồ Thầu, còn được điểm trang thêm hoa văn đỏ trên áo váy phụ nữ người Dao đỏ. Hai bên đường là những lán tạm của người chăn dê nép mình bên dưới những tán cây đầy rêu phủ, khung cảnh lãng đãng an yên. Cách đỉnh Chiêu Lầu Thi hai ki-lô-mét, du khách có thể nghỉ chân bên hồ nước tự nhiên, ngắm cỏ hoa bên đường để lấy sức hoàn thành chuyến đi tiếp...

Nhắc đến rêu núi Chiêu Lầu Thi khiến lòng người không khỏi cảm thán, rêu bám trên đá, rêu bám vách đất, rêu phủ trên những thân chè già cỗi. Ðủ thời gian đi sâu hơn vào dưới rừng cây cổ thụ, du khách sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của các cây cổ thụ phủ lớp rêu xanh ngắt, từ thân đến cành. Càng sát chóp đỉnh 2.402 m, càng thán phục trước thiên nhiên, ở miền non cao này, hoa lá rồi cả mây cũng phủ một lớp rêu cũ kỹ và nguyên sơ.

Ðến Chiêu Lầu Thi vào bất kỳ thời điểm nào cũng đẹp. Với người có thú chiêm ngưỡng biển mây bềnh bồng thì nên lên đỉnh Chiêu Lầu Thi từ sớm tinh mơ, hay cuối chiều để được đứng trên đỉnh non cao ấy mà đón mặt trời lên, hay ngắm hoàng hôn trên biển mây mênh mang dưới chân mình. Còn ai thích những mảng màu của đất trời thì tùy thời gian mà tới Chiêu Lầu Thi, thong thả leo từng bậc thang, chầm chậm chinh phục đỉnh cao, rồi từ trên ấy, lúc mây vãn ngắm những thảm rừng mềm mại bên dưới đang thay lá, trổ hoa cũng đều phải thốt lên, đây rồi "Miền non cao, rừng xanh, lá đỏ".

Không chỉ có phong cảnh đẹp, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong những ngày mùa thu, khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang chuyển màu vàng óng, người Dao ở Hoàng Su Phì tổ chức Lễ hội Bàn Vương để tưởng nhớ tổ tiên của mình. Lễ hội được phục dựng và tổ chức hằng năm tại các địa phương có nhiều đồng bào Dao sinh sống tập trung nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn với Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay. Ðồng thời cầu nguyện Sư tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc.

Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi thật sự khiến cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến đều nhớ mãi. Với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, những năm qua, khu vực đỉnh núi Chiêu Lầu Thi đã và đang được chính quyền huyện Hoàng Su Phì đầu tư để phát triển du lịch, mục tiêu xây dựng đỉnh Chiêu Lầu Thi thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ du khách thích trải nghiệm và khám phá. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Lù Văn Chung cho biết, để thúc đẩy phát triển du lịch đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, huyện đã xây dựng kết cấu hạ tầng như cải tạo, nâng cấp đường vào; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du khách. Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN và KHÁNH TOÀN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm