Cập nhật: 26/10/2018 12:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hai bộ phim Việt Nam là “Cô Ba Sài Gòn” và “Song Lang” sắp được gửi đi tham dự giải Oscar và Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản). Đây không phải lần đầu điện ảnh nước nhà gửi tác phẩm dự thi nhưng công chúng vẫn đặt hy vọng vào những tìm tòi, đổi mới.

Một cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn”.

Câu chuyện ký ức

Từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2017, phim “Cô Ba Sài Gòn” do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn, được gửi tranh giải hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2019. Nội dung bộ phim kể về thăng trầm của tiệm may áo dài Thanh Nữ với nhân vật chính là Như Ý - cô gái nổi loạn, khước từ khao khát của bà chủ tiệm may là có con nối nghiệp mình. Một sự cố ngoài ý muốn đưa cô gái ở thập niên 1970 đến Sài Gòn thời hiện đại, bắt gặp phiên bản già nua, suy sụp của bản thân. Cuộc phiêu lưu kỳ thú sau đó giúp cô hiểu được ý nghĩa văn hóa, cảm xúc về hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Chỉ sau một thời gian ngắn chiếu rạp, phim đạt doanh thu khoảng hơn 60 tỷ đồng.

Cũng dịp này, bộ phim “Song Lang” (đạo diễn Li-on Lê) có trong danh sách dự Liên hoan phim quốc tế Tô-ki-ô. Phim lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1980 với cuộc gặp gỡ của Dũng “thiên lôi” - một tay anh chị chuyên đòi nợ thuê, không ai thân thích và Linh Phụng - kép nam chính của đoàn cải lương Thiên Lý. Sau lần gặp ấy, sợi dây liên kết vô hình giữa hai con người cùng nặng lòng với cải lương đã hình thành, khiến số phận của họ đổi thay theo chiều hướng khác.

Nếu xét về nội dung, cả hai bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” và “Song Lang” đều có sự tương đồng trong hoài niệm về giá trị xưa cũ mang tính bản sắc văn hóa như áo dài truyền thống, nghề hát cải lương. Không đơn thuần giới thiệu lịch sử hình thành hay quá trình hưng thịnh rồi mai một của giá trị văn hóa, các bộ phim còn lồng ghép cách khai thác đời sống tình cảm con người, không khí thời đại, mâu thuẫn nội tâm… thông qua lối xây dựng hình ảnh, tình huống linh hoạt. Thí dụ, ở phim “Song Lang” là sự đối lập trong những buổi diễn của một gánh hát; bên ngoài đầy hào quang qua phút giây nghệ sĩ thăng hoa tuyệt diệu nhưng phía sau là gánh nặng cơm áo, mưu sinh và nỗi cô đơn đè lên từng số phận con người.

Sợi dây kết nối hai nhân vật là cải lương, còn ở “Cô Ba Sài Gòn” thì quá khứ và hiện tại được kết nối bằng hình ảnh của chiếc áo dài truyền thống khơi dậy bao trải nghiệm, cảm xúc, thân phận của một thời đã xa. Âm thanh trong phim cũng được đầu tư một cách tinh tế, đan xen các giai điệu dựa trên trích đoạn cải lương như “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”.

Khó “so bó đũa, chọn cột cờ”

Chung quanh hai đề cử phim Việt Nam dự thi quốc tế vừa qua, đã có những ý kiến khen chê nhiều chiều, trong đó có cả bình luận cho rằng các lựa chọn không mấy thuyết phục. Về vấn đề này, một thành viên trong hội đồng tuyển chọn phim chia sẻ: Câu chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ” bao giờ cũng khó tránh khỏi tranh cãi. Trong chính hội đồng còn có tranh luận thì bên ngoài làm sao không khỏi nghi ngờ, dị nghị. Trên thực tế, các công đoạn cần thiết nhất cho việc duyệt, lựa chọn phim đã diễn ra cả nửa năm nay với nhiều tình huống phức tạp.

Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan nhấn mạnh: Việc chọn phim từ vòng trong nước đã khó nhưng phim gửi dự giải quốc tế mà lọt qua được vòng sơ tuyển để vào đề cử những giải như Oscar còn khó khăn hơn. Hội đồng tuyển chọn phim của những giải này có khi lên đến 6.000 thành viên. Họ không chỉ xét về nội dung, nghệ thuật mà còn chú trọng nhiều yếu tố khác như kỹ thuật, tư tưởng, xu hướng…

Một trong những yếu tố nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điện ảnh nước nhà cần đầu tư hơn khi muốn có phim chất lượng tốt dự giải quốc tế đó là cách chọn đề tài, tránh sự cũ mòn, đồng thời chú trọng dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam sao cho thật rõ nét. Chia sẻ cùng chúng tôi, đạo diễn phim “Song Lang”, Li-on Lê cho biết, anh sang Mỹ từ năm 13 tuổi, làm vũ công gần 20 năm nhưng chính tình yêu với văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã giúp anh không bao giờ bị bứt khỏi cội rễ. Bộ phim về đề tài cải lương chính là kết tinh đầu tiên của tình yêu ấy thông qua điện ảnh. Suốt quá trình làm phim, Li-on Lê đã cho hai nhân vật gần như không chạm vào nhau để giữ trọn nét trong trẻo, run rẩy và chân thật nhất ở những cung bậc khác của tình yêu.

“Sóng lặng” và “Cô Ba Sài Gòn” có thể còn những hạn chế nhưng một phần nào đó đã rất gần được xu hướng khai thác bản sắc văn hóa, truyền thống, không lạm dụng yếu tố giật gân, câu khách như bạo lực, cảnh nóng. Điều đó phần nào ghi dấu ấn của sự nỗ lực tìm tòi, khai thác đề tài theo chiều sâu văn hóa, tâm lý con người. Có thể, bằng sự khắt khe về nghề nghiệp, hai đề cử nêu trên chưa thật sự xuất sắc nhất nhưng nhìn chung, “Sóng Lặng” và “Cô Ba Sài Gòn” là những bộ phim nổi bật trên mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm