Tỷ lệ uống rượu bia ở vị thành niên chiếm tỷ lệ khá cao, gây ra nhiều hệ lụy và gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Hơn 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi.
Gánh nặng bệnh tật lên lớp trẻ
Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược chính sách Y tế nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của Việt Nam đang ở mức đáng báo động, cao hơn so với mức bình quân của thế giới và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Năm 2016 tỷ lệ sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn tại Việt Nam cao thứ hai Đông Nam Á; thứ ba châu Á, thứ 64 trên thế giới.
Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối NCDs-VN, hiện nay sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Trong giai đoạn 2011, tỷ lệ tiêu thụ bia là 2,7 tỷ lít thì đến năm 2017 đã tăng lên trên 4 tỷ lít. Đồ uống có cồn nói chung năm 2014 là 4,4 lít cồn/người 15 tuổi trở lên; đến năm 2017 là 8,5 lít.
Theo điều tra sức khoẻ học sinh năm 2013 do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thực hiện cho thấy, tỷ lệ uống rượu bia ở vị thành niên, thanh niên là 79,9% ở nam và 36,5% ở nữ. Có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần. Đồng thời, tỷ lệ uống ở mức nguy hại tăng nhanh. Năm 2010 có 25,1% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên gấp gần hai lần (44,2%).
Rượu, bia ảnh hưởng đến người chung quanh, nhất là nhóm yếu thế phụ nữ và trẻ em; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình; gánh nặng kép đối với hộ nghèo và cận nghèo. Theo một kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, 32.5% phụ nữ đã kết hôn/sống chung cho biết có chồng/bạn tình là người uống nhiều, trong đó hơn 90% đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của những người này.
21% cha mẹ/người chăm sóc chính cho biết trẻ em trong gia đình đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh và 14% gia đình có trẻ đã chịu ít nhất một trong các tác hại như bị người uống rượu bia đánh đập, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng liên quan đến rượu bia trong gia đình, bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn, gia đình không còn tiền để chi cho các nhu cầu thiết yếu cho trẻ do thành viên hộ gia đình sử dụng rượu bia gây ra. Hơn 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi.
Rượu, bia tại Việt Nam dễ tiếp cận nhất và mang gánh nặng lớn nhất
Việt Nam được đánh giá là sẵn có rượu bia và dễ tiếp cận nhất vào hàng nhất thế giới. Đồ uống có cồn này đang được buông lỏng cả về nguồn cung cấp cũng như các cửa hàng tiêu thụ, buôn bán. Rượu, bia có trên mọi địa điểm, từ nhà hàng sang trọng cho đến quán bình dân, vỉa hè… Thậm chí ngay cả trong trường học, rượu bia cũng không phải là thứ đồ uống khó kiếm.
Rượu, bia tại Việt Nam được sản xuất ngày càng tăng. Năm 2016 có 129 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp (50-100 triệu lít/năm) đến 3,8 tỷ lít thì đến năm 2017 là hơn 4 tỷ lít. Có khoảng 167 cơ sở sản xuất rượu quy mô công nghiệp (16 cơ sở có công suất trên 3 triệu lít/năm), trong đó sản lượng có đăng ký là hơn 100 triệu lít, không đăng ký ước tính 250 triệu lít.
Người Việt Nam, đặc biệt trẻ vị thành niên không có bị cản trở bởi luật pháp về tiêu thụ, sử dụng rượu bia một cách hạn chế. Thực tế vẫn xảy ra các quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ ở giờ vàng, trên internet. Thuế đánh vào rượu bia thấp “hàng đầu khu vực”, chỉ 30% giá bán lẻ.
Không chỉ dễ tiếp cận nhất thế giới, rượu bia tại Việt Nam còn có những gánh nặng lớn về bệnh tật và thiệt hại kinh tế. ThS Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Health Bridge Canada tại Việt Nam thông tin, tổng chi phí trực tiếp của sáu bệnh ung thư (do rượu bia là yếu tố cấu thành chính) là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP, 2012. Chi phí y tế trực tiếp chưa kể đến chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần do rượu là 500.000 - 1 triệu đồng/ngày, gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội.
“Với chi trung bình cho rượu bia là 733,058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16,372 tỷ đồng. Tổng số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo (giá năm 2010), đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua xe máy, thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này. Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống hai cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến một cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống một cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn một cốc sữa/năm…”, ThS Hoàng Anh cho hay.
Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia với các biện pháp kiểm soát mạnh để quản lý thị trường này như tăng thuế, hạn chế quảng cáo, hạn chế sự tiếp cận của rượu bia. Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một ca bệnh trong tình trạng nguy kịch do rượu gây ra. Người bệnh tên T.V.H, 49 tuổi, được chẩn đoán là ngộ độc rượu và viêm phổi do trào ngược dẫn tới hôn mê.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ông H là người nghiện rượu nhiều năm, mỗi ngày ông uống khoảng 500-600ml rượu. Đỉnh điểm là vào ngày 23-10, ông đã nạp vào cơ thể quá nhiều rượu, dẫn đến bất tỉnh, nôn và trào ngược thức ăn vào phổi. Mặc dù đã được các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phố Nối (Hưng Yên) cấp cứu tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến xấu, hôn mê sâu và viêm phổi nặng.
Rạng sáng ngày 24-10, ông H được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây bệnh nhân được điều trị thải độc, thở máy và kháng sinh mạnh chống viêm phổi. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn cần thêm một vài tuần để hồi phục hoàn toàn.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện 108. (Ảnh: BVCC)
Trường hợp bệnh nhân H ở trên là một lời cảnh báo nữa về ngộ độc rượu, một tình trạng bệnh nghiêm trọng đòi hỏi các biện pháp cấp cứu khẩn cấp do có nguy cơ tử vong cao.
BS Ngô Đình Trung, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân của ngộ độc là do trong rượu có chứa hợp chất Ethyl alcohol, hợp chất này thường có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng, sản phẩm chiết xuất dùng trong nấu ăn và một số loại thuốc khác. Khi uống quá nhiều rượu và trong một khoảng thời gian ngắn, có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, nhịp tim…, trường hợp nặng sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong.
BS Trung khuyến cáo, người dân không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém như rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Lý do là chúng có nguy cơ ngộ độc nguy hiểm hơn từ các tạp chất khác trong rượu như methanol. Đây là chất cực độc đối với cơ thể, gây ức chế thần kinh, tổn thương mắt, rối loạn chuyển hóa nặng và tử vong dù chỉ uống một lượng nhỏ.
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn