Một câu chuyện có thể vô cùng đơn giản, dễ thấy ở bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào, nhưng khi những lớp vỏ dần được tách ra, nó khiến khán giả bất ngờ, cười, và cả rơi nước mắt… Đó là những gì mà một bộ phim cần để có thể “chạm vào cảm xúc khán giả”, và hơn thế nữa, chinh phục cả những ban giám khảo khó tính của các LHP quốc tế.
“Shoplifter” - bộ phim Nhật Bản - kể câu chuyện về một gia đình chuyên trộm cắp. Ban đầu, người xem khó có thể hiểu được mối quan hệ trong gia đình này là như thế nào. Một bà cụ già, một cặp vợ chồng trông tuổi tác có vẻ rất lệch, một cô cháu gái, một cậu bé… Cách xưng hô trong gia đình này cũng khiến cho khán giả rơi vào “mớ bòng bong”, bà già gọi người đàn ông là cậu, hai cô gái và cậu bé là cháu, cô gái lớn gọi ông ta là ông xưng tôi, cậu bé và cô gái trẻ hơn gọi là chú. Cả gia đình kiếm sống “thêm” bằng nghề trộm cắp trong các siêu thị, cửa hàng và tiệm tạp hóa nhỏ trong thành phố. Nói là kiếm “thêm” bởi mỗi người trong số họ đều có việc làm, nhưng thu nhập thấp và vô cùng bấp bênh, riêng bà cụ già sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Họ sống cùng nhau trong một ngôi nhà ổ chuột, đồ đạc, chăn gối, quần áo, bát đũa chồng chất lên nhau, và cậu bé chọn ngăn tủ kéo làm nơi ngủ, chơi và đọc sách của mình. Cuộc sống của họ cứ như vậy trôi đi nếu một ngày kia, trên đường đi làm về, người đàn ông không bắt gặp cô bé con Juri ngồi khóc bên khe hàng rào trong một buổi tối rét buốt. Mọi chuyện thay đổi từ đây…
Và cứ thế, từng lớp, từng lớp sự thật của câu chuyện cứ dần dần hé lộ, từ cô bé con Juri, gần như bị bỏ rơi trong gia đình giữa những trận đòn roi của bố trút lên mẹ và sự ghẻ lạnh của người mẹ “tôi cũng không muốn có đứa con gái này”. Bà cụ già thỉnh thoảng vẫn “ghé thăm” gia đình con cháu của người phụ nữ đã cướp mất chồng mình, và cầm về một phong bì tiền ít ỏi, để dành cho chính con gái lớn của họ, cô bé Aki bị ghẻ lạnh, bố mẹ không biết cô hoàn toàn không phải đang du học ở Australia mà lại đang tá túc trong căn nhà ổ chuột và tối tối lại đi làm công việc “chat sex” kiếm tiền. Cô “cháu gái” lớn Nobuyo, từng bị chồng bạo hành chết đi sống lại, với những vết sẹo mãi không lành giống hệt cô bé Juri, mà cả gia đình gọi bằng cái tên mới Lin. Người đàn ông chuyên nghề trộm cắp Osamu, gắn bó đời mình với Nobuyo bằng một câu chuyện không ai dám tưởng tượng ra. Cậu nhóc Shota bị bố mẹ bỏ rơi suýt chết trong một chiếc xe hơi, được Nobuyo và Osamu đập cửa kính cứu sống và cưu mang.
Bên ngoài, họ là một gia đình ba thế hệ, và bên trong, họ gắn bó với nhau bằng tình cảm, bằng trái tim, và bằng khát vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chú bé Shota hằng đêm vẫn dùng đèn pin đọc sách và tích lũy hiểu biết của mình qua những trang sách, mặc dù mọi người vẫn nói với cậu “chỉ những đứa trẻ không được học ở nhà mới phải đến trường”. Nobuyo yêu thương Aki bằng tình cảm của một người chị với cô em gái, và yêu Juri bằng khát vọng về một tình mẫu tử thực sự mà cô không thể có được. Osamu yêu hai đứa trẻ bằng tình cảm của một người đàn ông thèm khát được làm cha, được gọi bằng một từ thiêng liêng “bố ơi” mà Shota còn chần chừ chưa muốn gọi. Aki tìm thấy ở những mảnh đời chắp vá này một sự quan tâm thực sự, họ không trách móc, đánh giá những gì cô làm, mà họ quan tâm đến cảm xúc của cô, đến tình cảm của cô. Juri tìm thấy ở gia đình xa lạ này tình yêu thương, từ những việc nhỏ như bà bôi thuốc vào những vết đau do đòn roi của cô bé, vòng tay ôm ấm ấp của Nobuyo, sự ghen tị và thương cảm rất đỗi trẻ con của Shota. Bà lão Hatsue tìm thấy ở những con người này một tình cảm gia đình thực sự, không giống như những người đã bỏ rơi bà. Và điều đẹp nhất mà cả gia đình cùng nhau trải qua, là một chuyến đi biển, nơi họ có thể vứt bỏ mọi khó khăn, lo âu của cuộc sống để thoải mái hòa vào thiên nhiên và hòa vào niềm vui của nhau. Và bà cụ ra đi sau chuyến đi hạnh phúc này.
Dàn diễn viên "Shoplifter" tại Liên hoan phim Cannes 2018.
Cuối cùng, mọi chuyện cũng vỡ lở… Sự hy sinh của cậu bé Shota để tránh cho cô em gái gặp bất trắc cuối cùng đã thành quân bài domino kéo đổ sập tất cả mọi chuyện. Các thành viên của gia đình bị bắt. Những câu chuyện bị bóc trần. Giọt nước mắt của Nobuyo trước câu nói sắc như dao của nữ cảnh sát hỏi cung “chị bắt cóc cô bé vì ghen tị phải không”. Ánh nhìn câm lặng và thất vọng của Juri khi quay về với người mẹ không muốn có sự tồn tại của cô bé trên cõi đời này. Và cả cái nhìn vô vọng của cô bé qua khe hàng rào, nơi từng có những người xa lạ đón cô bé về và cho cô vòng tay ấm áp, nơi điều kỳ diệu sẽ không bao giờ lặp lại… Những bước chân lén lút và tiếc nuối của Aki về ngôi nhà ổ chuột cũ, nơi cô có được sự ấm áp và tiếng cười hạnh phúc. Những bước chạy hối hả tuyệt vọng của Osamu phía sau chiếc xe đón Shota, như đuổi theo một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Tiếng gọi thầm nức nở “Bố ơi” của Shota khi Osamu đã khuất bóng sau chiếc xe… Những chi tiết rất nhỏ ở cuối câu chuyện này đã khiến khán giả rơi nước mắt.
Không phải may mắn mà “Shoplifter” vượt qua được rất nhiều đối thủ sừng sỏ để đăng quang giải Cành cọ vàng, một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất châu Âu. Điều quan trọng nhất mà bộ phim đã làm được, là “chạm vào cảm xúc của khán giả”, một trong những “tiêu chí” vô cùng quan trọng để cả khán giả và các ban giám khảo giải thưởng đánh giá mức độ thành công của phim. Điều này chính Trưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V Oguri Kohei đã chia sẻ, khi nói về những tiêu chí chấm phim. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều vị giám khảo khác, như đạo diễn người Ba Lan Jukka - Pekka Laakso (Giám đốc LHP ngắn Taperre, Trưởng Ban giám khảo phim ngắn) chia sẻ: “ Tôi sẽ chọn những phim tạo được nhiều cảm xúc cho mình, và ngoài yếu tố thể hiện thông minh thì phải có cảm xúc”. Đây cũng là kinh nghiệm quý giá cho các nhà làm phim Việt Nam trong hành trình tìm kiếm thành công cho mình.
TUYẾT LOAN. Ảnh: Variety, The Guardian
Theo nhandan.com.vn