Cập nhật: 30/10/2018 14:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo công văn hướng dẫn dạy nghề phổ thông năm học 2018-2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT), ở cấp THCS nghề phổ thông là một trong ba môn học tự chọn (Ngoại ngữ, Tin học, Nghề phổ thông) với thời lượng 70 tiết học (2 tiết/tuần). Tin học trong chương trình học nghề phổ thông là tin học văn phòng, có thể bố trí thời lượng dạy học tự chọn trong kế hoạch giáo dục của các trường hoặc bố trí dạy học ngoài 6 buổi/tuần.

Nghề phổ thông là nội dung tự chọn ở cấp THCS và sẽ là nội dung bắt buộc đối với cấp THPT.

Đối với cấp học THPT, nghề phổ thông là nội dung được quy định trong kế hoạch giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Chương trình lớp 11 có 105 tiết (3 tiết/tuần), bố trí ngoài thời lượng học 1 buổi/ngày. Tài liệu dạy học do Bộ GD-ĐT ban hành có 11 nghề: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn thêu tay, tin học văn phòng.

Theo quy định, việc lựa chọn học nghề phải phù hợp với nguyện vọng của học sinh, tương ứng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường và trung tâm đồng thời phù hợp nhu cầu, đặc điểm cơ cấu kinh tế địa phương.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ tổ chức kiểm tra việc tổ chức dạy và học nghề phổ thông theo quy định. Việc kiểm tra ,đánh giá kết quả học nghề của học sinh được thực hiện theo quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS, THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Việc xếp loại theo bốn mức: Giỏi, khá, trung bình, yếu theo điểm tổng kết. Kết quả học tập của học sinh được ghi vào sổ gọi tên, ghi điểm, học bạ.

Theo hướng dẫn về tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP Hà Nội năm học 2019-2010, điểm nghề phổ thông sẽ không còn được tính vào điểm xét tuyển như những năm học trước đây.

Theo THANH XUÂN - Ảnh: DUY LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm