Cập nhật: 31/10/2018 15:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm ở nơi giáp ranh hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La), thung lũng Chiềng Đi vàng rực trong nắng với những cánh đồng lúa mênh mông ngả bông chín vàng. Đến mùa gặt, trong túi quà của người Chiềng Đi dành tặng khách bao giờ cũng có một gói cốm gạo mới.

Người lái xe dạy cách phân biệt cho du khách tới bản Chiềng Đi, rằng nếu muốn tới bản ở gần thị trấn Nông trường Mộc Châu thì phải hỏi đường tới bản Chiềng Đi (Thái). Bởi chủ nhân của bản là người Thái và người Mường. Còn ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ cũng có một bản gọi tên Chiềng Đi, nhưng là nơi sinh sống của đồng bào Mông.

Bắt đầu mùa thu cũng là lúc thung lũng Chiềng Đi vào mùa lúa chín. Những mảng mầu vàng xen kẽ với những khoảng ruộng xanh, hương rạ từ những chân ruộng vừa gặt thơm nồng ngai ngái. Quanh bản, con suối nhỏ róc rách nước. Người dân trong bản thường đi theo bờ suối, tới những bụi măng tre để đào măng. Mùa này cá suối theo nước nguồn đổ về thịt thơm ngon và chắc, là món tuyệt vời để ăn cùng măng chua. Cứ men theo tới đầu nguồn con suối sẽ tới bể nước khổng lồ trữ nước từ khe núi, người dân dẫn nước từ đây về nhà nuôi cá tầm, cá hồi, hai loại cá đặc sản của Chiềng Đi nổi tiếng chẳng kém món bê chao, gà đồi, lợn ướp mắc khén của Mộc Châu.

Đạp xe rong ruổi theo những con đường trong bản, vượt qua cánh đồng là tới những triền đồi thoai thoải. Sương sớm còn chưa tan, những hàng chè xanh bồng bềnh mờ ảo. Thảo nguyên Mộc Châu se se lạnh, không khí trong lành nên khách đi không biết mệt. Băng qua tiểu khu Tiền Tiến là tới đồi chè đẹp nhất nhì của vùng. Khoảng tháng 11, 12 mới là mùa dã quỳ ở Mộc Châu, nhưng khi trời trở lạnh, nhiều bông hoa vàng đã bung nở bên đường, báo sắc thu rực rỡ bên núi đồi lồng lộng.

Ở bản Chiềng Đi (Thái), nhà nào cũng có vài thửa ruộng lúa nếp. Vừa để làm bánh mỗi khi nhà có việc, có thể đồ xôi ăn hằng ngày, nhưng một phần không nhỏ là làm cốm, đồ xôi. Lúa làm cốm gặt sớm hơn, hạt tròn mẩy. Sau khi gặt về, mọi người luộc đến khi nứt hạt rồi phơi nắng mới đem đi xát. Cốm nấu xôi cũng nấu bằng chõ cao, giống như cách đồ xôi truyền thống của người Thái, người Mường nhưng thơm dẻo, béo bùi hơn, trở thành món ăn ngon đãi khách tới nhà. 

Theo BÀI & ẢNH: NGUYỄN LÊ/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm