Chỉ cần kiểm soát tốt đường huyết, chỉ đo đường huyết buổi sáng, dùng đơn thuốc đi khám của người khác, từ chối tiêm insulin… là những sai lầm thường mắc của người đái tháo đường.
Bệnh nhân điều trị ĐTĐ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Phụ trách Khoa Nội tiết, Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), hiện thế giới có hơn 425 triệu người đang sống với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Mỗi giờ, có thêm hơn 1.000 người mắc ĐTĐ mới.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh ĐTĐ, tương đương với 6% tổng dân số. Dự đoán đến năm 2045 sẽ có 6,3 triệu người mắc ĐTĐ, tăng 78.5%. Tuy nhiên, có tới 70% người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán và trong số đó, chỉ 28.9% bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc ĐTĐ mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị ĐTĐ tuýp 2 đã được ghi nhận.
TS Bảy cho biết, có rất nhiều sai lầm mà người mắc đái tháo đường thường chủ quan và bỏ qua. “Chỉ 18% bệnh nhân ĐTĐ typ 2 kiểm soát được cả ba thông số: glucose máu, mỡ máu và huyết áp. Điều trị giảm đường huyết đơn thuần chỉ làm vỡ 1 phần rất nhỏ của tảng băng, do đó cần phải kiểm soát đa yếu tố, chỉ nhắm vào Glucose là không đủ”, BS Bảy nói.
Đường huyết dao động suốt cả ngày, do đó chỉ đo đường huyết buổi sáng, đo 1-2 lần mỗi tháng là không đủ. Nhiều người bệnh chủ quan, không mang sổ y bạ hay đơn thuốc cũ đi khám rất nguy hiểm. Bởi thực tế, điều trị ĐTĐ là quá trình dò liều, tuỳ mức đường huyết mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc dựa trên cơ sở là liều thuốc bệnh nhân đang dùng. Cùng một hoạt chất nhưng có thể có đến hàng chục dạng thuốc khác nhau nên nếu không có đơn cũ thì sẽ rất khó để kê đơn mới.
Việc gián đoạn dùng thuốc do chờ ngày tái khám hay do ốm đau đều đối mặt với nhiều nguy cơ. “Bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thiếu insulin sẽ làm đường huyết tăng cao, gây mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng… Bệnh nhân ĐTĐ typ 1 thiếu insulin 6 giờ có thể phải đi cấp cứu vì nhiễm toan ceton. Nếu không dùng thuốc, khi tái khám sẽ có sự sai lệch kết quả đường huyết dẫn tới khó chỉnh liều thuốc. Khi bị ốm thì các hormone trong cơ thể sẽ tăng lên, làm đường huyết tăng cao lại càng không thể bỏ thuốc”, BS Bảy cung cấp thông tin.
Có nhiều bệnh nhân dùng mãi một đơn thuốc, trong khi thực tế con người sẽ dần bị lão hóa, khả năng tiết insulin sẽ giảm dần theo năm tháng. Nhiều bệnh nhân có chỉ định tiêm insulin nhưng thực tế rất ít gười mắc ĐTĐ đồng ý tiêm do không hiểu lợi ích của điều trị insulin sớm.
Thiếu kiến thức cấp cứu hạ đường huyết, chủ quan tự chữa loét bàn chân ở nhà gây nhiều biến chứng; thậm chí, có người còn bỏ quy tây y, thích uống thuốc Đông y vì “lành hơn và rẻ hơn”…. Đây là những sai lầm mà người mắc đái đường thường mắc phải, dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
TS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh, Cứ hai người bị ĐTĐ thì một người không biết mình bị bệnh. Tất cả các gia đình đều có thể bị ảnh hưởng bởi người bệnh ĐTĐ, vị vậy cần nhận thức được các dấu hiệu, triệu chứng của ĐTĐ để có thể phát hiện sớm. Đa số các trường hợp mắc ĐTĐ là có thể phòng ngừa được.
Điều trị ĐTĐ có thể rất tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình. Do đó, cần giúp người bệnh được điều trị sớm và có hiệu quả để tránh làm tăng chi phí, có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị
“Thực tế chỉ có chưa đến 1/4 số thành viên trong gia đình được giáo dục về bệnh ĐTĐ. Việc hỗ trợ của gia đình trong chăm sóc người bệnh ĐTĐ có ý nghĩa và hiệu quả to lớn. Các gia đình cần được giáo dục và thiết lập kế hoạch tự chăm sóc để giảm thiểu những tác động xấu đến chất lượng cuộc sống”, TS Bảy nhấn mạnh.
Theo HOÀNG LÂM/nhandan.com.vn