Cập nhật: 14/11/2018 08:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Di tích cố đô Huế, mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án di dời 4.201 hộ dân đang sinh sống ra khỏi khu vực bảo vệ I thuộc di tích Kinh thành Huế, giai đoạn 2019 - 2025. Đề án cấp thiết này cần được hỗ trợ vốn và khung cơ chế đặc thù để địa phương tổ chức di dời, tái định cư cho hàng nghìn hộ dân.

Hộ dân sinh sống trong khu vực bảo vệ I, Kinh thành Huế. Ảnh: HỮU TIN

Áp lực ngày càng tăng

Theo Báo cáo khảo sát mới đây (ngày 15-10) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) cố đô Huế đang bộc lộ những hạn chế. Giống như các thành phố di sản khác trên thế giới, cố đô Huế cũng đang chịu gánh nặng thời gian, các công trình, đền đài đều bị xuống cấp theo năm tháng, cần phải trùng tu để chống lại sự xuống cấp. Áp lực đối với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc bảo đảm tính toàn vẹn của di tích, văn hóa truyền thống và cảnh quan môi trường di sản ngày càng tăng. Thực tế trong 25 năm qua, kể từ khi được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới, hơn 170 di tích thuộc quần thể Di tích cố đô Huế đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn và khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc triển khai một số nhiệm vụ trong các đề án, dự án bảo tồn Di tích cố đô Huế diễn ra khá chậm. Số kinh phí giải ngân chưa đạt theo các quyết định đã phê duyệt và rất thấp so với nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cố đô Huế; chủ yếu mới chỉ phục vụ việc tu bổ di tích. Chẳng hạn, Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích cố đô Huế (giai đoạn 2016 - 2024) với mục tiêu trong bốn năm đầu tập trung cho 27 dự án thành phần, nhưng đến nay còn nhiều công trình chưa được khởi động. Trong 23 năm (1996 - 2018), tổng kinh phí thực hiện đầu tư cho việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH cố đô Huế chỉ đạt hơn 1.620 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 684,8 tỷ đồng, chiếm 42% tổng kinh phí đã sử dụng (nhưng chỉ bằng 25% tổng mức kinh phí đã được Thủ tướng phê duyệt)...

Vấn đề lo ngại hàng đầu hiện nay là có hàng trăm di tích ở khu vực I (khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt) của Di tích cố đô Huế lại đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng do bị tác động trực tiếp bởi số lượng lớn người dân sinh sống ở đây từ lâu đời. Trong di tích Kinh thành Huế - công trình quan trọng bậc nhất trong hệ thống DSVH thế giới tại cố đô Huế - hiện còn 4.201 hộ dân đang sinh sống ở khu vực I,

gây ảnh hưởng trực tiếp đến di sản thế giới này, nhất là trên mặt tường thành. Vị trí của Lục bộ trong Thành nội Huế có diện tích hơn 5 ha (đã bị thực dân Pháp đốt cháy hoàn toàn năm 1885), hiện có 234 hộ dân sinh sống; rất nhiều hộ đã được cấp sổ đỏ, tất cả nhà đều được xây dựng kiên cố. Việc hàng nghìn hộ dân xây dựng công trình, nhà ở và canh tác trên Thượng Thành, xả rác, nước thải sinh hoạt… làm cho nền đất bị lún, gây nứt hỏng tường thành, xâm hại nghiêm trọng di tích. Phần lớn hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị. Do đó, việc di dời 4.201 hộ dân ra khỏi khu vực I của di tích Kinh thành Huế đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu vì tính cấp bách trong bảo vệ di sản cố đô Huế. Song, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí, quỹ đất rất lớn; phần lớn hộ dân đã sống chung với di sản từ trước, trong đó có nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cần cơ chế đặc thù

Theo Ðề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể Di tích cố đô Huế" do tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo Thủ tướng chiều 24-10 vừa qua, giai đoạn 2019 - 2025, sẽ di dời 4.201 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí khoảng 2.735 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2019 - 2021) di dời 2.938 hộ (gần 11.000 nhân khẩu), kinh phí 1.880 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2022 - 2025) di dời 1.263 hộ, kinh phí khoảng 855 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng cả hai giai đoạn và cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù... Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 416 tỷ đồng, do tỉnh trích ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động khác.

Việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nhưng trước hết là trách nhiệm của tỉnh Thừa Thiên -

Huế. Tỉnh cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ, dự án trọng điểm. Ðề án nêu trên nếu thực hiện thành công sẽ giúp hàng nghìn hộ dân có điều kiện sống tốt hơn, đồng thời Di tích cố đô Huế sẽ có thêm sản phẩm du lịch mới như tuyến đi bộ trên Thượng Thành, tham quan Kinh thành Huế bằng đường thủy trên Hộ thành hào, góp phần phát triển du lịch quốc gia và bảo tồn, tôn tạo được di tích Kinh thành Huế phù hợp với công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa mà Việt Nam đã cam kết. Song, nguồn lực để thực hiện Ðề án lại vượt quá khả năng của tỉnh.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, qua khảo sát, đã ủng hộ Ðề án vì tính cấp thiết và mục tiêu của nó, đó là: vừa giữ gìn được di tích lịch sử, văn hóa, vừa an dân, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Ủy ban cũng nêu đề xuất, kiến nghị: Quốc hội cần có chủ trương hỗ trợ theo cơ chế đặc thù để tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện Ðề án. Ðồng thời kiến nghị Chính phủ xây dựng đề án phát triển tổng thể Di tích cố đô Huế và vùng văn hóa địa phương; tập trung đầu tư ngân sách cho bảo vệ và phát huy giá trị DSVH cố đô Huế. Phê duyệt Ðề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo Ðề án của tỉnh và bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để tỉnh thực hiện. Các bộ, ngành bảo đảm cấp đúng, đủ kinh phí đã được duyệt, ưu tiên kinh phí cho đề án quy hoạch dân cư và giải quyết vấn đề lấn chiếm di tích khu vực bảo vệ I của Kinh thành Huế.

Cần nhắc lại rằng, chúng ta đã từng có bài học trong công tác bảo vệ di sản khi năm 2004, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO có khuyến nghị về việc quản lý và phát triển đô thị tác động tới di sản văn hóa cố đô Huế. Và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải mất gần 10 năm nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khắc phục, và đến năm 2013, Ủy ban Di sản thế giới mới đưa Di tích cố đô Huế ra khỏi danh sách các di sản bị khuyến nghị.

QUANG ĐÔNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm