Cập nhật: 14/11/2018 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều phố núi Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) mùa này lạnh se sắt, sương mù bủa vây từng mái nhà nhuốm màu bàng bạc khói, mây sà xuống phủ trắng những dãy núi bên dòng Gâm nước chảy trôi lững lờ.

Người dân địa phương tham gia lễ hội truyền thống. (Nguồn Ảnh: Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê)

Thiếu tiếng động cơ ồn ĩ như dưới xuôi, vắng lặng bao trùm tưởng chừng nghe rõ tiếng rủ rỉ của đôi trai gái đã lướt qua mà thanh âm còn vương vất. Tiếng mõ trâu như xa như gần đập vào vách núi vẳng lại, chơi vơi…

Nằm ở phía Đông của Hà Giang, Bắc Mê là một sắc màu hoàn toàn khác biệt của vùng đất vốn được mệnh danh là “thiên đường màu xám,” vốn đã quá nổi tiếng với những dinh Vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, Mã Pì Lèng…

Bắc Mê khác biệt giữa miền núi Đông Bắc bởi dòng sông Gâm xanh tươi hiền hòa vắt mềm mại luồn giữa cảnh sắc núi rừng hùng vỹ tạo nên khung cảnh nên thơ.

(Nguồn ảnh: Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê))

Căng Bắc Mê – dấu ấn đặc biệt của lịch sử

Nếu đi từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú, sau khi ghé Mèo Vạc, du khách nên theo cung đường từ Mèo Vạc sang Bắc Mê để trải nghiệm không gian cổ kính, rêu phong ở Căng Bắc Mê.

Cung đường đẹp và thú vị nhất sau đó là dong thuyền trên dòng sông Gâm, rồi trở về thành phố Hà Giang từ huyện Bắc Mê để khép kín hành trình khám phá của mình, không phải trở về cung đường cũ đã qua. Cung đường này đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ, hay những ai thích trải nghiệm những điểm mới lạ.

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê cổ kính nằm trên đồi Rồng, thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, tuy không còn nguyên vẹn, nhưng thời tiết khắc nghiệt miền núi phía Bắc đã phủ rêu phong từng vách tường, tạo nên vẻ trầm mặc, dấu ấn thời gian thấm cả vào vẻ thâm u của khu di tích.

Theo nghĩa tiếng Pháp, “căng” có nghĩa là đồn lính, trại lính. Trước năm 1939, nơi đây vốn là đồn binh nhỏ của Pháp dựng lên để kiểm soát tuyến giao thông Hà Giang-Tuyên Quang-Cao Bằng. Sau đó, Pháp đã cho xây thêm các khu nhà giam cán bộ cách mạng bị bắt nhưng chưa kết án.

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê. (Nguồn ảnh: Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê)

Nơi đây từng giam giữ những tên tuổi lớn của lịch sử dân tộc như đồng chí Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Khuất Duy Tiến, Trần Cung… Và di ảnh các bậc lão thành này vẫn đặt tại nhà trưng bày khu di tích.

Vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa có khung cảnh rêu phong, Căng Bắc Mê vẫn là điểm đến “hoang sơ” bởi chưa có bóng dáng của các dịch vụ du lịch, kinh doanh tự phát… Vì thế, thả bước trong không gian nhà lớn, nhà thông tin, khu nhà kho, khu nhà giam… dù chỉ còn là tàn tích nhưng cũng mang đến cảm giác thật thư thái.

“Dải lụa xanh” của Bắc Mê

Bắt nguồn từ độ cao 2.000m của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam từ Cao Bằng, sông Gâm đoạn chảy qua Bắc Mê tạo nên nhiều thắng cảnh non nước nên thơ.

Sông Gâm như dải khăn mềm mại trải dài hơn 200km, chảy qua Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, rồi nhập vào sông Cả để thành sông Lô hùng vỹ. Mang đặc trưng màu xanh lục của các dòng sông miền núi Hà Giang, nhưng sông Gâm hiền hòa, êm ả giữa điệp trùng đôi bờ chứ không hiểm trở như Nho Quế.

Có lẽ vì quá khác biệt với cao nguyên đá lừng lẫy mà đoạn sông chảy qua huyện Bắc Mê đã và đang trở thành không gian cho lễ hội văn hóa, thể thao, cho du lịch trải nghiệm của Bắc Mê phát triển.

Sông Gâm chảy qua Bắc Mê. (Nguồn ảnh: Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê)

Bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Mê cho biết, hàng năm, vào mùa nước đầy và yên ả (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau), chính quyền và người dân huyện Bắc Mê thường tổ chức các lễ hội đua bè mảng, lễ hội cầu mưa, lễ hội cúng thần sông… nhằm tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trong quy hoạch và chương trình hành động phát triển du lịch, huyện Bắc Mê đã tổ chức nhiều tour thuyền trên sông Gâm để các công ty lữ hành có thể thiết kế, tổ chức tour thu hút du khách, nhằm phát triển du lịch.

Du lịch sông Gâm phù hợp cho các đoàn vãn cảnh, hoạt động teambuilding trên nước, tổ chức các trò chơi trải nghiệm thực tế, mạo hiểm như zipline, chèo thuyền kayak, đua bè mảng…, mang đến những trải nghiệm khác lạ bên cạnh thiên nhiên hùng vỹ mà nên thơ của dòng Gâm xanh ngắt.

Khi truyền thống được phục dựng

Ông Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê cho hay, trong kế hoạch phát triển và khai thác tiềm năng du lịch huyện, những năm qua, chính quyền đã phối hợp với doanh nghiệp, người dân xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, quy hoạch, gìn giữ và phục dựng lại các làng nghề truyền thống như: làng thổ cẩm Yên Cường, làng rèn thủ công Giáp Trung, làng văn hóa homestay bản Lạn, bản Khén, bản Noong.

(Nguồn ảnh: Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê)

Ngoài ra, địa phương cũng đã tái hiện những tục lệ truyền thống như lễ cưới người Dao đỏ, lễ cấp sắc, lễ cầu mưa… giúp du khách có cơ hội tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Với những trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ, văn hóa đặc sắc phong phú, hoạt động khám phá đa dạng, du khách có thể chọn ở trong những homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách giữa bản làng.

Với những thuận tiện đó, Bắc Mê đang dần trở thành điểm đến được chú ý trên cung đường chinh phục Hà Giang từ cao nguyên đá của huyện Mèo Vạc vắt sang. Điểm đến này cũng hoàn toàn có thể là một trải nghiệm độc lập với nhiều cảm xúc mới lạ cho hành trình đến với vùng núi Đông Bắc vốn đã quá quen thuộc./.

Theo M.MAI (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/du-lich-bac-me-trai-nghiem-thu-vi-moi-cho-cung-duong-dong-bac/534618.vnp

Tệp đính kèm