Những người giáo viên dạy học sinh khuyết tật bày tỏ nhiều băn khoăn, vướng mắc, cũng như trình bày mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm, phát triển chương trình dạy học và cơ chế hỗ trợ cho giáo dục đặc biệt.
Giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Sáng 14/11, 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018” có buổi gặp mặt, giao lưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Trong 48 thầy cô tham dự chương trình, người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng, sinh năm 1961, giáo viên Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương, sinh năm 1990, giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người có thời gian tham gia dạy lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình dạy học là từ năm 1985 tới nay.
Trong buổi giao lưu cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật đã bày tỏ băn khoăn, vướng mắc trong nghề, cũng như trình bày nguyện vọng rằng Bộ GD&ĐT quan tâm, phát triển chương trình dạy học và cơ chế hỗ trợ cho giáo dục đặc biệt.
Thầy giáo Võ Duy Quang, trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ: “Tất cả học sinh của tôi đều là những người khiếm thính giống như tôi. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi dạy cho các em. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó vì không có sách giáo khoa riêng cho học sinh khiếm thính và giáo trình cũng không được đổi mới thường xuyên". Các em học sinh khiếm thính sau khi học xong cấp 1 thì chưa có cơ hội học lên cấp 2, cấp 3. Đối tượng người khiếm thính chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập vào cộng đồng, nhất là có công ăn việc làm. "Mong lãnh đạo Bộ GD&ĐT có điều kiện để người điếc có cơ hội giáo dục chuyên sâu hơn, cũng như hoàn thiện bộ ngôn ngữ kí hiệu dành cho người khiếm thính", thầy Võ Duy Quang chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu (Trung tâm giáo dục dạy nghề trẻ khuyết tật tỉnh Nghệ An) cho biết, tài liệu, sách giáo khoa cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu. Theo cô giáo Liễu, mới chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng mới chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hàng ngày.
Cô Nguyễn Thị Liễu cũng chia sẻ thông tin rằng học sinh khuyết tật học nghề may nhưng đến các xí nghiệp thì thường bị từ chối. Cô rất mong các cấp, các ngành sớm có cơ chế cụ thể để các em được nhận vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt, khẳng định sự hy sinh, vất vả, khó nhọc của các thầy cô rất lớn bởi đối tượng dạy học là những học sinh kém may mắn, những học sinh có nhu cầu đặc biệt, cần sự quan tâm đặc biệt của người thầy để giúp các em tiến lên và hòa nhập cộng đồng. Có thể khẳng định, các thầy cô là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ các thầy cô trong những nội dung liên quan trực tiếp như chương trình, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên...
Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn