Cập nhật: 21/11/2018 10:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường.

Thiếu nước sạch khiến người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu.

Như vậy, có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, các bệnh truyền nhiễm đang là mối quan tâm toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, những năm qua, bên cạnh nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... thì các dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng cũng có nhiều diễn biến phức tạp.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế nhận định, công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh nhằm đáp ứng kịp thời các tình huống để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là hết sức quan trọng.

Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cũng chia sẻ, rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh.

“Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…,” bà Hương nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức và cơ quan thông tấn báo chí hãy cùng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế đưa ra mục tiêu dần đưa hành động này trở thành thường xuyên, thành thói quen hàng ngày, thành một việc làm không thể thiếu trước khi ăn.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán…

Theo các chuyên gia y tế, vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.

Từ năm 2008 đến nay Việt Nam đã hưởng ứng tích cực ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng” với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh.

Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân trong những năm qua đã được Bộ Y tế phát triển rộng, tới cơ sở và được đẩy mạnh; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên y tế ở các cấp được bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực hoạt động; việc khen thưởng động viên kịp thời các cán bộ, cộng tác viên và nhân dân tích cực thi đua được quan tâm...

Tại nhiều tỉnh đã tổ chức và hoạt động của Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân từ cấp tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản và các tổ chức chính trị - xã hội dần đi vào nề nếp, có chất lượng.

Nhiều đơn vị đã có những hoạt động tích cực, đóng góp lớn vào mục tiêu của phong trào để mọi người, mọi nhà, mọi ngành quan tâm hơn đến công tác vệ sinh yêu nước, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo HOÀNG LÂM/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm