Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu của tỉnh Tuyên Quang. Trên địa bàn huyện có nhiều hệ sinh thái đa dạng, cảnh đẹp hùng vĩ và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số (DTTS).
Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch homestay ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).
Từ khi thủy điện Tuyên Quang hoàn thành, hồ thủy điện rộng hơn 8.000 ha, trong đó huyện Lâm Bình có hơn 4.000 ha, đã trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” làm say đắm lòng người. Với kết cấu địa chất đặc thù, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, mặt nước phong phú, đa dạng cùng những hang động tự nhiên kỳ thú, ngoài hồ thủy điện Tuyên Quang, huyện Lâm Bình còn có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: thắng cảnh 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm; xưởng Quân khí H52 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; động Song Long, các thác Nặm Me, Khuổi Nhi, Khuổi Súng; di tích khảo cổ hang Phia Vài, chùa Phúc Lâm, đền Pú Bảo... Đây là điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển các loại hình du lịch: mạo hiểm, văn hóa, sinh thái, lịch sử, đồng thời xây dựng và hình thành các tua du lịch của huyện kết nối với một số điểm du lịch của tỉnh và các tỉnh bạn như Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang.
Gia đình bà Triệu Thị Xướng (thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm) là một trong những hộ gia đình làm du lịch cộng đồng (Homestay) sớm ở huyện. Nhận thấy nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch khi tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn, bà Xướng cùng gia đình quyết định đầu tư sửa chữa lại ngôi nhà sàn truyền thống và sắm được ba chiếc thuyền chở khách du lịch đi tham quan cảnh đẹp trên vùng lòng hồ và làm thêm một nhà nổi trên hồ thủy điện để phục vụ du khách có nhu cầu ăn, nghỉ ngay trên khu vực hồ thủy điện. Ngoài ra, gia đình bà còn phục vụ các món ăn đặc sản dân tộc như cá nướng than, cá nấu măng chua, thịt gà ta nướng than củi, xôi ngũ sắc, bánh dày, cơm lam...
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Hiền cho biết, để loại hình du lịch này phát triển thì cùng với việc tổ chức các hoạt động lễ hội là sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, huyện đã tập trung bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, trước hết là bảo tồn tiếng nói, trang phục và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các DTTS nơi đây. Năm 2017, huyện thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng”, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày ở các thôn: Nà Đông và Nà Tông, xã Thượng Lâm; Nà Muông, xã Khuôn Hà và Nặm Đíp, xã Lăng Can với 15 hộ tham gia. Lượng khách du lịch đến huyện ngày một tăng, từ 3.500 lượt khách năm 2011 tăng lên hơn 16 nghìn lượt khách vào năm 2017.
Bài và ảnh: HẢI CHUNG
Theo nhandan.com.vn