Cập nhật: 25/11/2018 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà giáo có phải học sư phạm; nên bỏ hay giữ bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người học trường khác là vấn đề cần bàn luận thêm.

Quốc hội vừa thống nhất dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019.

Một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà giáo quan tâm, còn băn khoăn là có nên bỏ hay giữ hình thức bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học ngoài sư phạm để trở thành nhà giáo.

Có người không am hiểu tâm lý học sinh, bản chất nghề dạy học

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 96 đơn vị được tham gia đào tạo giáo viên, đại học 40 trường, cao đẳng 54 trường, trung học có 2 trường, bình quân 1 triệu dân thì có 1 trường đào tạo giáo viên các cấp.

Đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục hiện nay cũng rất đa dạng, ngoài sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm được đào tạo có hệ thống về chuyên môn nghiệp vụ thì còn có giáo viên được đào tạo từ các ngành nghề khác.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ (ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hoà), điều đáng quan tâm là còn một số thầy cô giáo xuất thân từ các trường đại học khác sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì tham gia vào một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên với tâm thế đi dạy học là một việc làm trái nghề. Có người không hiểu biết nhiều về bản chất của nghề dạy học, không am hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Những việc đau lòng xảy ra đối với học sinh từ một số ít thầy cô giáo trong thời gian vừa qua có lẽ có nguyên nhân bắt nguồn từ việc đào tạo giáo viên của chúng ta hiện nay.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, cách đây 3 năm, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tạm dừng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tốt nghiệp đại học ngoài sư phạm để trở thành giáo viên.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi lần này, Ban soạn thảo chưa thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 29 và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đào tạo nhà giáo. Dự thảo vẫn chấp nhận giáo viên dạy cấp THCS và THPT có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ sư phạm ở Điều 72, vẫn mở rộng cơ sở thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhà giáo gồm trường sư phạm, các cơ sở giáo dục có khoa sư phạm, các cơ sở giáo dục khác được giao đào tạo giáo viên ở Điều 74.

Nhằm khắc phục tình trạng đào tạo giáo viên phân tán như hiện nay và để thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương, chuẩn bị đội ngũ giáo viên có chất lượng, đại biểu Lê Tuấn Tứ  đề nghị bỏ hình thức bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học ngoài sư phạm để trở thành nhà giáo ở Điều 72; quy hoạch thành lập các trường đại học sư phạm vùng, tập trung nguồn lực sâu để đào tạo giáo viên tiểu học, THCS, THPT cho các tỉnh trong vùng ở Điều 74. Ngoài ra là nên giao việc đào tạo giáo viên mầm non cho các tỉnh, thành trực thuộc trung ương đảm nhiệm.

Cần quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm

Một sinh viên không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm lại có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục như những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm. Chúng ta nên phân tích thấu đáo hai loại đối tượng này. Đó là băn khoăn của đại biểu Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Hứa Thị Hà (ảnh: quochoi.vn)

Khi quyết định lựa chọn vào trường đại học, người học đều dựa trên năng lực, nguyện vọng và gửi gắm tương lai, ước mơ của bản thân vào ngành nghề đó. Người theo ngành sư phạm, phần lớn họ đều có tình cảm và khả năng trong nghề này. Họ được đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản trong nhiều năm học. Trong khi đó, một người tốt nghiệp đại học cảnh sát chỉ trong khoảng 3 tháng là có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong vòng 3 tháng liệu họ có thể nắm bắt và hình thành được kỹ năng nghiệp vụ sư phạm tốt hay không?

Hơn nữa, cấp THCS là giai đoạn giáo dục căn bản. Học sinh lứa tuổi này có sự phát triển mạnh mẽ và có tâm lý rất phức tạp. Giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn, cần có tác phong và nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản.

Theo đại biểu Hứa Thị Hà, nếu quy định trình độ chuẩn của giáo viên THCS là có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thì sẽ khó công bằng cho các sinh viên ngành sư phạm, không những không tuyển dụng được người giỏi vào ngành sư phạm mà có thể nảy sinh tiêu cực trong tuyển dụng vào ngành này.

Trong khi chúng ta không thể kiểm soát được số lượng sinh viên ngành khác vào ngành sư phạm, đại biểu Hứa Thị Hà cho rằng, ngành Giáo dục cần quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Bên cạnh đó là dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu

Với tâm huyết và kinh nghiệm 25 năm đi dạy phổ thông, có nhiều bạn bè đồng nghiệp, học trò cũ đang làm giáo viên phổ thông, thầy Trần Trung Hiếu, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) cho rằng, không phải tất cả các giáo viên được đào tạo ngành sư phạm đều dạy tốt hơn các giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học khác.

Tư chất, sự tâm huyết và sự cầu thị, cầu tiến vì danh dự của mỗi cá nhân mới là nhân tố quyết định chất lượng công tác và giảng dạy.

Bộ GD-ĐT cùng với các địa phương không nên mở tràn lan các trường đại học sư phạm hoặc chuyên nghành sư phạm trong các trường đại học. Điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học sư phạm, hoặc các khoa sư phạm trong các trường đại học đa ngành phải nằm trong top cao nhất.

Không thể có giáo viên giỏi khi điểm đỗ lại thấp, xuất phát điểm về năng lực lại kém./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm