Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các địa phương đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường mùa bão lũ.
Nước ngập tại tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) Hoàng Thị Liên Hương, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão, tại các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu có mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên.
Để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, phòng chống dịch bệnh sau lũ cây bão, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các sở y tế 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới công tác nước sạch, vệ sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị sở y tế các địa phương trên chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung: Thường xuyên các hoạt động kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn.
Đặc biệt, các đơn vị trên cần bố trí và cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, xử lý môi trường như cloramin B, aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn...
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt từ 0,3- 0,5 mg/lít tại vòi sử dụng; kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ gia đình.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người ở Việt Nam vẫn có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước và vệ sinh. Nguyên nhân là bởi việc thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở nông thôn.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, đã xảy ra mưa lớn tại Khánh Hòa và một số tỉnh Nam Trung Bộ. Lượng mưa nhiều nơi đã lên đến 200-300 mm, cá biệt có nơi gần 400 mm (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa 382 mm).
Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Nha Trang làm 19 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương cùng nhiều nhà cửa bị đổ sập, cuốn trôi.
Những năm gần đây, thiên tai ở tại miền Trung đã diễn ra hết sức khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của người dân và xã hội. Điển hình là những đợt lũ chồng lũ vào cuối năm 2016 tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa cuối năm 2017.
Những hậu quả thiên tai gây ra tại các địa phương là hết sức nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội và phát triển bền vững trong khu vực./.
Theo THÙY GIANG (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/dam-bao-nguon-nuoc-sach-ve-sinh-moi-truong-trong-mua-bao-lu/536835.vnp