Cập nhật: 02/12/2018 10:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí. Nhưng mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện.

Gian trưng bày của các quận, huyện tuyên truyền về cách phòng, chống HIV/AIDS. - Ảnh: VGP

Ngày 1/12 tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS.

Dự lễ mít tinh có lãnh đạo Bộ y tế, UBND TPHCM, cùng các sở, ban ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và gần 3.000 người dân Thành phố.

Năm nay, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam là: “ Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, tức là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARVvà  90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Nếu đạt được các mục tiêu trên sẽ tạo đà để từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí là giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô nhình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; hay triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Việt Nam là một số ít các quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV cũng như sự bền vững của chương trình...

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, hiện nay, Việt Nam có hơn 131 nghìn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54 nghìn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những con số ấn tượng này là những kết quả rất đáng khích lệ. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới bên cạnh những mặt thuận lợi, những kết quả tích cực đã đạt được thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện. Vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch càng trở nên khó khăn...

Chính vì vậy, năm nay, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống nạ ma túy mại dâm chọn chủ  đề như trên cho Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Việc chọn TPHCM tổ chức sự kiện quốc gia này mang nhiều ý nghĩa. Đây là thành phố lớn nhất cả nước, cũng là nơi có nhiều người nhiễm HIV nhất. TPHCM cũng luôn là nơi được Bộ Y tế lựa chọn đi đầu để triển khai các mô hình và sáng kiến mới nhất về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Do vậy, những tác động hay kết quả phòng, chống HIV/AIDS của TPHCM sẽ có tác động lớn đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lãnh đạo các cấp, ban , ngành y tế và mỗi người dân cần phải hành động và hành động mạnh mẽ hơn nữa. Hành động để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV. Hành động để tất cả người chuẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả; mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm, ủng hộ Việt Nam bằng cả nguồn tài chính và kỹ thuật.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu ngành y tế cần tăng cường cung cấp các dịch vụ  để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điêu trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV; mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV cũng như dự phòng trước phơi nhiễm HIV...

Theo Lê Anh/baochinhphu.vn

Tệp đính kèm