Cập nhật: 03/12/2018 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hiện đã được triển khai thí điểm điều trị PrEP tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 10 cơ sở, điều trị cho hơn 2000 khách hàng. Dự kiến, năm 2019 dịch vụ này sẽ mở rộng ra 11 tỉnh, thành phố.

Ngày 30-11 vừa qua, trước thềm ngày Thế giới Phòng chống AIDS 2018, Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và PATH, một tổ chức phi Chính phủ toàn cầu về y tế, đã công bố triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.

PrEP là dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đó là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, tức là cặp có một người nhiễm và một người không nhiễm HIV, trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ sáu tháng, hoặc đã điều trị ARV trên sáu tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Khi một người phơi nhiễm HIV thì biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm này giúp ngăn virus phát triển thành ca nhiễm vĩnh viễn.

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, PrEP cực kỳ hiệu quả nếu được dùng đúng cách và có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lên tới 92% hoặc cao hơn. Việc mở rộng dịch vụ PrEP là cần thiết để Việt Nam có thể giảm mạnh số ca lây nhiễm mới.

“Tốt nhất là xét nghiệm theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV <200 bản sao/ml thì không cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV”, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm.

Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc nếu họ không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn sử dụng của các bác sĩ. Theo kết quả của nghiên cứu iPrEx, trong đó 2.499 MSM và TGW đã tham gia. Những người sử dụng PrEP hàng ngày đạt được tỷ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay VAAC, USAID và tổ chức PATH đã tiến hành thí điểm dịch vụ PrEP từ tháng 6-2017 thông qua dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường của USAID do PATH thực hiện. Dự án đã làm việc với các nhóm cộng đồng của những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, các đối tác khu vực tư nhân, các phòng khám ngoại trú công và tư để cung cấp dịch vụ PrEP cho 1.895 người có nguy cơ lây nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong số đó bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và người âm tính với HIV nhưng là bạn tình/vợ/chồng của người nhiễm HIV chưa đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Dịch vụ PrEP cũng được cung cấp thông qua một dự án thí điểm của UNAIDS.

Tại Việt Nam, mô hình cung cấp dịch vụ này triển khai ở cơ sở y tế công và y tế tư nhân. Năm 2019, dự án sẽ PrEP mở rộng triển khai trên 11 tỉnh có tình hình dịch cao gồm các tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng với mục tiêu đạt 7.300 người đăng ký sử dụng dịch vụ.

Việt Nam là quốc gia thứ hai tại châu Á, chỉ sau Thái Lan, triển khai dịch vụ PrEP trên toàn quốc.

Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm