Nếu không khai thác những nét riêng của Việt Nam thì ra thế giới, điện ảnh Việt khó gây được sự chú ý.
Không ít đạo diễn trẻ đã ý thức được việc khai thác bản sắc văn hóa trong điện ảnh và cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Đơn cử như phim “Tấm Cám chuyện chưa kể”, lấy cảm hứng từ kho tàng cổ tích. Hay “Cô Ba Sài Gòn” ngợi ca tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Trước đó, những đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên; Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp làm phim về những cuộc đời, số phận của con người Việt Nam, những hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Hình ảnh phim "Cô Ba Sài Gòn".
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho rằng, những đạo diễn trẻ này đều có điểm chung là thích khai thác nét đẹp văn hóa Việt. Việc kỹ lưỡng, chăm chút trong nghệ thuật tạo hình, tạo nên chất thơ trong hình ảnh, mang đến thành công vang dội cho bộ phim.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết: "Phim của các đạo diễn trẻ hướng tới các liên hoan phim nước ngoài đều là phim nghệ thuật, nên trong phim khai thác nhiều vẻ đẹp Việt Nam. Chẳng hạn như phim “Chơi vơi” tác giả khai thác nét đẹp sinh hoạt của người Hà Nội. Có tác giả lại đưa vào phim kiến trúc truyền thống…Bản sắc Việt thường thể hiện trong phim nghệ thuật. Nhưng phim nghệ thuật đếm trên đầu ngón tay".
Những năm gần đây, điện ảnh nước ta có xu hướng thương mại hóa ngày càng rõ nét. Số lượng phim Việt ra rạp mỗi năm đều tăng, song phần lớn là dòng phim thương mại, phim thị trường chiều theo thị hiếu dễ dãi. Nội dung xa rời thực tế cuộc sống, vừa không có giá trị tư tưởng, vừa yếu kém về nghệ thuật. Không ít phim lạm dụng cảnh bạo lực, những cảnh nóng trần trụi, xa lạ với phong tục, tập quán.
Nhà nghiên cứu điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh nhận định: "Phim Việt Nam hiện nay phần lớn giải trí. Nhiều khi tô hồng cuộc sống quá mức. Những phim có chất Việt Nam thì hiếm hoi. Để làm phim nghệ thuật hấp dẫn khán giả không phải dễ. Bài học từ điện ảnh Iran, một đất nước không giàu có nhưng điện ảnh mang đậm bản sắc của họ. Từ vấn đề nhỏ, lay động lòng người".
Hình ảnh trong phim "Em bé Hà Nội".
Điện ảnh Việt từng có thời hoàng kim với những bộ phim gây xúc động và gây được tiếng vang lớn như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Con chim vành khuyên”; “Em bé Hà Nội”; “Cánh đồng hoang”…
Một thời khán giả hào hứng kéo đến các rạp phim, các sân bãi chiếu phim để thưởng thức những tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa, cổ vũ rất lớn đến đời sống của người dân. Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, giờ đây, điện ảnh nước ta chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ, phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhưng cũng không thể vì vậy mà đánh mất bản sắc điện ảnh dân tộc.
"Bây giờ cả thế giới ở trong không gian phẳng. Nếu không khai thác những nét riêng của Việt Nam thì ra thế giới khó gây được sự chú ý. Mặc dù có thể quốc tế hóa nhưng chính bản sắc riêng và khai thác lưu giữ được trong phim thì đó là độc đáo và thú vị. Các nhà làm phim với thái độ tôn trọng và hiện thực thì rất là cần thiết" - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nói.
Có những bộ phim thu về hàng chục, hàng trăm tỷ, nhưng rồi lại rơi vào quên lãng. Nhưng sẽ còn lại mãi với thời gian những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, chứa đựng thân phận, tính cách con người Việt Nam. Đó chính là những tác phẩm tạo nên bản sắc riêng của điện ảnh nước ta trong muôn màu của điện ảnh thế giới./.
Theo Ngọc Hà/VOV.VN