Cập nhật: 10/12/2018 10:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định -TP HCM đã khiến người dân thành phố tìm thấy một phần ký ức đẹp giữa bộn bề cuộc sống.

Không chỉ giúp người dân TPHCM hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của nơi mình đang sinh sống mà Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM còn tái hiện lại được không gian văn hóa xưa để người dân thành phố nhiều thế hệ tìm thấy một phần ký ức đẹp giữa bộn bề cuộc sống. Tuy kéo dài chưa đến 2 tuần nhưng hoạt động này đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách.

Người dân TP HCM mê mẩn với không gian Sài Gòn xưa

Cùng người bạn già đứng hồi lâu tại khu vực trưng bày hình ảnh về Sài Gòn xưa, bà Lê Ngọc Thuận, một người dân ở quận 1 bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm gắn liền với các địa danh quan trọng của thành phố. Đại lộ Boulevard, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, đoạn phố Catinat hay chợ Bến Thành, Nhà thờ Lớn… là những nơi ghi dấu cả tuổi thanh xuân của người phụ nữ sinh ra tại Sài Gòn này.

Bà Thuận kể mấy chục năm trước Sài Gòn xưa cũ mà đẹp lắm. Dù có một thời gian dài phải xa quê nhưng bà luôn nhớ nếp sống, cách ăn mặc của người dân Sài Gòn.

Bà Lê Ngọc Thuận cảm thấy vui vì Sài Gòn-TPHCM phát triển ngày càng hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính xưa: “Tôi là thế hệ cũ nên những hình ảnh như thế này gợi chúng tôi nhớ về những thời xưa. Không ngờ phát triển như vậy mà thành phố mình vẫn còn giữ lại được một số nét gốc của nó. Vẫn còn nét cũ đến ngày hôm nay là rất hay”.

Nếu như bà Lê Ngọc Thuận tìm thấy ký ức của mình trong những khung hình Sài Gòn quen thuộc, thì một thanh niên như anh Nguyễn Lê Thanh Long, người dân sống tại quận Bình Thạnh cảm nhận rõ được bước chuyển mình của TP HCM khi đối chiếu hình ảnh với thực tại.

Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú khi tìm hiểu về những món ăn vặt ngày trước của người Sài Gòn tại Tạp hóa tuổi thơ.

Điều khiến đoàn viên này cảm thấy ấm lòng là việc TP HCM bảo tồn được những kiến trúc nổi tiếng của mình từ ngày ấy đến bây giờ. Càng thú vị hơn khi gian triển lãm cung cấp khá đầy đủ thông tin về các bức ảnh giúp giới trẻ có thể xâu chuỗi để hình dung rõ nhất về quá trình phát triển vượt bậc của thành phố.

Anh Nguyễn Lê Thanh Long vui vẻ nói: “Người dân TP HCM sẽ thấy được toàn cảnh Sài Gòn của mình từ xưa đến nay. Điều tôi thích nhất là hình ảnh bến Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 và những con đường ngày trước với nhiều điểm khác biệt. Thành phố giờ đã có quá nhiều nét đổi mới”.

Tại Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM, bên cạnh khu vực trưng bày hệ thống bản đồ cổ, quý hiếm về Sài Gòn - TP HCM còn có rất nhiều hình ảnh nói về quá trình hình thành và phát triển của thành phố từ lúc mở cõi đến ngày hôm nay. Điểm nhấn tại hoạt động này chính là không gian tái dựng nét ẩm thực dân giã của người Sài Gòn xưa thông qua cách bày trí hàng quán giản đơn, các món ăn bình dị, gần gũi với bao thế hệ. Những không gian trưng bày, trải nghiệm tại Đường sách TP HCM trong tuần kỷ niệm này đã chạm đến trái tim của nhiều người dân và du khách.

Quay lại TP HCM sau hơn 50 năm, bà Marisa, khách du lịch đến từ Malaysia cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển hiện tại của thành phố. Giới thiệu với chồng về những địa danh mà khi còn bé mình đã có dịp ghé thăm, ánh mắt bà Marisa lấp lánh niềm vui. Bà nói, tình cờ bắt gặp lại những hình ảnh thân thuộc này là điều vô cùng ý nghĩa vì nó giúp bà cảm nhận rõ bước thay đổi của TP HCM và cả kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu với một Sài Gòn thân thiện, mến khách.

Du khách Marisa vui mừng khi được quay lại TP HCM đúng vào dịp diễn ra hoạt động văn hóa này.

“Trong ký ức của tôi đây là nơi rất có cảnh rất đẹp và tuyệt vời để bạn có thể sống hạnh phúc. Năm nay tôi đã 63 tuổi và quay trở lại đây với nhiều kỷ niệm đáng trân trọng. Vâng, thành phố này thay đổi khá nhiều. Không gian tràn ngập sắc hoa, còn mọi người mặc đồ rất đẹp, y như lễ hội vậy, và tôi vẫn rất yêu Sài Gòn”, bà Marisa chia sẻ.

Xen kẽ với việc trưng bày, dịp này tại đường sách còn có nhiều chương trình nhằm giúp người dân thành phố hiểu rõ để thêm yêu Sài Gòn - TP HCM như giao lưu với các nhà nghiên cứu, giới thiệu các bộ sách về Sài Gòn, Nam bộ, tái hiện các sân chơi văn hóa...

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường sách TPHCM, thành công lớn nhất của chuỗi hoạt động này không phải là quy mô tổ chức hay số hiện vật trưng bày mà nằm ở sức hút với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Rất nhiều người dân đã đến đây và tìm thấy cho mình ký ức, kiến thức và cả những niềm vui.

Ông Lê Hoàng nói: “Việc trưng bày các bản đồ, hình ảnh cùng những cảnh phục dựng những nét sinh hoạt của người Sài Gòn xưa nhằm giúp người dân TPHCM có được góc tiếp cận với quá trình hình thành và phát triển của TPHCM để thấy rằng thành phố chúng ta đã trải qua những giai đoạn như thế nào và phát triển ra làm sao”.

Thông qua sự kiện văn hóa ý nghĩa này, người dân, du khách phần nào hình dung được bức tranh khái quát về Sài Gòn – TP HCM sau 320 hình thành và phát triển. Điều dễ dàng nhận ra là dù Sài Gòn xưa cũ hay TP HCM hiện đại, sôi động ngày nay đều mang những vẻ đẹp, dấu ấn riêng để ai đã từng có dịp ghé thăm hoặc may mắn được sinh sống tại đây đều cảm thấy yên mến thành phố thân thương này./.

Theo Mỹ Dung/VOV.VN

Tệp đính kèm