Kể từ khi được công nhận là công viên địa chất của tỉnh, Công viên địa chất Lý Sơn đã đón nhiều lượt chuyên gia trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Đoàn chuyên gia khảo sát tại đảo Lớn và đảo Bé (Lý Sơn) và vùng phụ cận Bình Châu, huyện Bình Sơn... (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Công viên được ví như hòn ngọc còn thô, càng cất công tìm hiểu, mài giũa thì những giá trị quý báu càng dần lộ diện. Những giá trị trân quý ấy cũng đến lúc cần được giới thiệu và công nhận ở phạm vi lớn hơn mà danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một lựa chọn hoàn hảo.
Để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước đi khá vững chắc. Cụ thể, năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn, là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020.
Khu bảo tồn này nó diện tích mặt nước biển là hơn 7.100ha, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt là 620ha, vùng phục hồi sinh thái là hơn 2.000ha và vùng phát triển là hơn 4.400ha; độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình.
Ngoài ra, Khu bảo tồn còn ghi nhận 25 loài nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố năm 2008.
Từ khi thành lập, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo tồn biển; huy động các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong Khu bảo tồn; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ công tác bảo tồn.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Di sản, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, Giáo dục cộng đồng được đưa ra là một trong những mục tiêu chính của Công viên địa chất cùng với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Dựa trên nền tảng đó và bám sát các tiêu chí khắt khe của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tỉnh Quảng Ngãi những năm gần đây đã có những hoạt động rất tích cực, đem lại hiệu quả đáng kể về công tác giáo dục cộng đồng trong phạm vi Công viên, ví dụ điển hình là tại đảo Bé-Lý Sơn và Sa Huỳnh-Đức Phổ. Việc chuyển đổi nhận thức và nâng cao năng lực cho cộng đồng dựa trên phương châm “Dân biết-Dân bàn-Dân làm-Dân quản lý.”
Tháng 1/2018, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với đoàn chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành khảo sát giá trị địa chất trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã thu thập mẫu vật địa chất gửi đi phân tích ở Nhật Bản.
Đầu tháng 2/2018, Đoàn chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục phối hợp với Tiến sĩ Guy Martini (Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO) tiến hành khảo sát, đánh giá tại nhiều nơi khác trong tỉnh. Sau chuyến khảo sát thực địa, đoàn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về tiềm năng, công việc và xác định khung thời gian hợp lý để nộp hồ sơ.
Đến tháng 3/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 374/QĐ-UBND kiện toàn Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn. Ban quản lý hiện có tổng cộng 20 người là cán bộ từ các sở ngành liên quan trong tỉnh, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban quản lý đã biên soạn Sổ tay cung cấp những thông tin cơ bản về quy trình và các yêu cầu nộp hồ sơ cho UNESCO. Cuốn Sổ tay đã được gửi đến các cá nhân và tổ chức liên quan trong tỉnh vào tháng Tư sau đó.
Cuối tháng 4/2018, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng Tiến sĩ Paul Dingwall phối hợp với Ban quản lý tiến hành khảo sát và xác nhận giá trị quốc tế của các di sản tại khu vực Công viên địa chất dự kiến. Từ đó, đoàn đã đưa ra các phương án để xác định ranh giới Công viên địa chất, đồng thời cũng khuyến nghị các vấn đề quản lý tài nguyên một cách bền vững như sử dụng đất, du lịch, rác thải và khoanh vùng bảo tồn.
Đầu tháng 5/2018, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cử một đoàn chuyên gia đầu ngành về địa chất cùng tiến sỹ Nakada Setsuya (Chủ tịch Ban cố vấn Công viên địa chất UNESCO) tiến hành khảo sát các điểm địa chất và di sản văn hóa. Ngay sau khi khảo sát thực địa, đoàn phối hợp cùng Ban quản lý tổ chức Tọa đàm khoa học về các giá trị di sản địa chất và văn hóa. Tọa đàm cũng tuyên bố bước đầu một số giá trị sẽ tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia nước ngoài đã tiến hành khảo sát thực địa và điền dã trên 350 điểm địa chất và văn hóa khu trú trong lãnh thổ dự kiến của công viên, sơ bộ chắt lọc và đề xuất 78 điểm địa chất, văn hóa tiêu biểu nằm trong ba trục tuyến chính đã nêu trên.
Trong tháng 6/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã cử bốn thành viên của Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn tham dự khóa tập huấn chuyên sâu về Công viên địa chất và quản lý di sản. Đây là hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên Ban quản lý, phục vụ công tác xây dựng hồ sơ và trình UNESCO vào cuối năm 2019.
Tháng 7/2018, Ban quản lý đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng tại 109 xã và một số cơ quan khác về tên gọi của Công viên địa chất. Có bốn phương án tên gọi khác nhau được đưa ra, dự kiến trong tháng 8/2018 sẽ tổng kết và đề nghị đặt tên gọi chính thức. Tiếp đó, sẽ phối hợp với đơn vị có kinh nghiệm thiết kế mẫu biểu trưng (logo) của Công viên địa chất kèm thuyết minh...
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc xây dựng hồ sơ chỉ là bước để chúng ta hoàn thiện trên giấy tờ, còn các hoạt động trên thực địa mới là yếu tố tiên quyết. Chúng ta phải xây dựng cho bằng được các tuyến du lịch, xác định, khoanh vùng các điểm di sản, địa chất và có hệ thống biển báo, có trung tâm thông tin và có hoạt động cụ thể trong công viên địa chất.
Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO kiêm Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, cho hay Quảng Ngãi đang làm việc rất tốt, theo một hướng đi đúng trong việc xác định ranh giới, phạm vi của công viên địa chất, kết nối được di sản Lý Sơn với di sản địa chất trong đất liền cũng như di sản về văn hóa Sa Huỳnh. Đó là điều tốt và tỉnh nên cố gắng kiên trì theo hướng như vậy. Ngoài ra, tỉnh nên tiếp tục thực hiện các việc khác như quản lý về nhân sự, làm sao có được những người giỏi về chuyên môn, kỹ năng nhất định trong Ban quản lý.
Tiến sỹ Paul R. Dingwall, Thành viên của IUCN và cố vấn UNESCO về Di sản thế giới khẳng định, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều cơ sở cho sự phát triển tương lai của một Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO và Công viên địa chất Lý Sơn hiện tại là một khởi đầu tốt. Nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên quan trọng đã được công nhận, một số có giá trị quốc tế, trong khi các cuộc khảo sát hiện tại có thể phát hiện thêm nhiều di sản mới. Với sự phát triển hơn nữa trong một thời gian hợp lý, một Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO có thể trở thành hiện thực cho tỉnh.
Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này từng ví von chia sẻ: “Quảng Ngãi có đầy đủ nguyên liệu để tạo nên một món ngon, vấn đề còn lại là sẽ phải chế biến thế nào.”
Việc xây dựng và phát triển, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu là một hoạt động phức tạp, chưa có tiền lệ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Hiện nay, các hoạt động khảo sát, xét nghiệm và xây dựng hồ sơ đang tiếp tục được Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia UNESCO (Pháp, Nhật, New Zealand) khẩn trương thực hiện.
Theo lộ trình, hồ sơ sẽ được hoàn tất và đệ trình UNESCO trước ngày 30/11/2019 và sẽ được UNESCO thẩm định vào tháng 7/2020. Tới năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ biết kết quả. Nếu đạt được thì đây sẽ là công viên địa chất toàn cầu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận./.
Theo VĨNH TRỌNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-ho-so-cong-nhan-ly-son-la-cong-vien-dia-chat-toan-cau/532212.vnp