Cập nhật: 12/12/2018 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bình Phước có nhiều danh thắng và di tích lịch sử nổi tiếng phù hợp phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái. Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy ngành công nghiệp không khói, Bình Phước đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và mang bản sắc văn hóa. Trong tương lai gần, Bình Phước phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Lễ kết bạn giữa người Mơ Nông và người Mạ, một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước được phục dựng.

Đa Dạng loại hình du lịch

Trong kháng chiến, Bình Phước nằm cuối con đường Trường Sơn huyền thoại, có nhiều căn cứ cách mạng như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết (huyện Lộc Ninh); căn cứ cách mạng “Nữa Lon” - sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng). Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu những điểm du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) và nhiều thác nước hùng vĩ, có thác cao từ năm đến bảy tầng… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 41 dân tộc anh em sinh sống lâu đời, đa dạng về phong tục, tập quán… là nét đặc trưng chỉ có ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn của Bình Phước phù hợp với nhiều loại hình du lịch như sinh thái, tâm linh...

Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng là một kỳ tích của tạo hóa. Một trảng cỏ rộng hơn 400 ha được bao bọc bởi rừng kín thường xanh mang đặc điểm của rừng nhiệt đới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trước đây trảng cỏ là một vùng đất hóa thạch, trải qua hàng triệu triệu năm, thiên nhiên kịp phủ lên một lớp đất đủ để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cỏ dại sinh sôi, nảy nở. Trong những tháng mùa mưa, trảng cỏ tạo ra một không gian xanh mướt giữa rừng xanh. Khung cảnh rộng lớn, khí hậu trong lành, mát mẻ là điểm đến hấp dẫn, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái. Đêm đến, du khách cùng đốt lửa trại, uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc trưng của người XTiêng như: lá nhíp, đọt mây, canh thục, cơm lam muối vừng và cùng nắm tay nhau hát vang bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo ca ngợi tinh thần giã gạo nuôi quân của đồng bào XTiêng trên vùng đất này năm xưa.

Cách trảng cỏ Bù Lạch không xa là thác Voi mà đồng bào XTiêng nơi đây vẫn quen gọi Liêng Rót hùng vĩ. Theo già làng Điểu Lên, cái tên Liêng Rót nghĩa là âm thanh của thác nước. Trên mảnh đất Bù Đăng còn có thác Đứng mà người XTiêng gọi là Nhai Liêng Por, có nghĩa là máng nước chảy từ ghềnh đá ở trên cao xuống. Đây là nơi để dân làng XTiêng làm lễ tạ ơn trời đất qua những nghi thức mừng lúa mới.

Rời mảnh đất Bù Đăng, khách du lịch đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm ở phía bắc tỉnh Bình Phước với diện tích 25.601,18 ha. Khu rừng đặc trưng cho hệ sinh thái chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây đang bảo tồn nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, khách du lịch sẽ được tham quan phòng tiêu bản động, thực vật đặc trưng bao gồm các loài thú nhỏ, côn trùng, loài chim, cá, lưỡng cư, bò sát… Tại trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, du khách được tìm hiểu tập tính của các loài thú quý hiếm như: Vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, công, rùa núi vàng, cua đinh, kỳ đà vân, chồn hương, heo rừng, hươu, nai, cheo che và một vườn lan rừng đa chủng loại, mầu sắc và hương thơm. Đây là những loài lan rừng quý hiếm được cán bộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập quy tập nhằm bảo tồn và nhân giống. Ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, du khách còn được tận hưởng không khí của rừng già, nghe tiếng nước chảy rì rào của dòng thác Đắk Mai, một kiệt tác của thiên nhiên. Thác có chiều rộng khoảng 15 m, chiều cao khoảng 10 m, dưới chân thác có một hồ nước rộng chừng 300 m2, là địa điểm lý tưởng cho du khách tham quan vào mùa khô. Đặc biệt, thác Đắk Mai có hai hang động tạo xoáy nước chảy xuống rất đẹp mà người dân ở đây gọi là giếng trời. Bên cạnh đó Bình Phước hiện có 36 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh từ cấp quốc gia đặc biệt đến cấp tỉnh, trải đều ở hầu hết huyện, thị xã. Đó là tài nguyên quý giá để tỉnh khai thác, phát triển du lịch lịch sử - tâm linh.

Xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng

Hiện nay, Bình Phước đang triển khai bốn dự án trọng điểm về phát triển du lịch, gồm: Dự án phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch, Dự án quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá (huyện Phước Long), Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo. Đây là bốn dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa nhằm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết: Từ năm 2015 trở lại đây, Bình Phước huy động hơn 300 tỷ đồng, trong đó khoảng 70% là nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Bình Phước cũng đẩy mạnh công tác quảng bá thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp tâm linh; xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đã có các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Dệt thổ cẩm của người XTiêng; nghề nấu rượu cần truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa; khôi phục các lễ hội dân gian. Để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, Bình Phước tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kêu gọi xã hội hóa hoàn thiện hệ thống nhà lưu trú, khách sạn đủ tiêu chuẩn cho du khách dừng chân.

Hiện nay, Bình Phước tập trung hoàn thiện dự án Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết (Khu di tích Tà Thiết), trong đó có gần 3.000 ha rừng tự nhiên. Vừa qua, Bình Phước xây dựng xong tượng đài chiến thắng, khu tâm linh, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường. Bình Phước đã vận động di dời hơn 100 hộ dân sống trong vùng lõi rừng Tà Thiết để trồng phủ kín rừng tự nhiên, đồng thời kêu gọi xã hội hóa xây dựng hàng rào bảo vệ. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phân kỳ hợp lý, Khu di tích Tà Thiết hiện trở thành điểm đến hấp dẫn.

Đối với dự án “Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo” có ý nghĩa lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của người XTiêng nói chung và đồng bào sóc Bom Bo nói riêng, tỉnh đã quy hoạch khu bảo tồn với diện tích 113 ha gồm ba quả đồi, 180 hộ dân, kinh phí xây dựng khoảng 298 tỷ đồng. Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo Đàm Hữu Xuyên cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang duy trì các hoạt động truyền thống như: nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, diễn xướng dân gian và phục dựng các lễ hội để phục vụ du khách.

Phần lớn du khách tìm đến Bình Phước là để trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ ngơi gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa. Bởi vậy, Bình Phước cần đầu tư hơn nữa vào việc giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa vốn có, sớm đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài và ảnh: NHẤT SƠN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm