Sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng chàng thanh niên Kim Tử Long lại may mắn được trời phú cho một chất giọng khỏe, rất hợp để ca những câu vọng cổ cải lương từng một thời nở rộ ở vùng đất phương Nam.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long trong vai Nguyễn Trãi.
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long tên thật là Hoàng Kim Long, sinh năm 1966 tại TP Hồ Chí Minh. 15 tuổi, Long thi đỗ vào lớp diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, trở thành học trò của NSND Phùng Há. Chính bà đã đặt cho anh nghệ danh Kim Tử Long. 19 tuổi, anh tốt nghiệp và được giao vai chính trong những vở diễn nổi tiếng, như: Gia Ðồng trong "Nàng tiên mẫu đơn", Y Mây trong "Y Ban và nàng tiên", Phan Lương trong "Người đẹp bến Tiền Châu", Lữ Bố trong "Phụng Nghi Ðình", Ðổng Thừa trong "Mã Siêu báo phụ thù", Dự Nhượng trong "Dự Nhượng đả long bào"… Trở thành ngôi sao triển vọng thời điểm đó, Kim Tử Long không chỉ được khán giả yêu thích nhờ làn hơi vọng cổ rất riêng mà còn bởi khả năng nhập vai đa dạng, diễn cả vai bi và hài đều điêu luyện.
NSƯT Kim Tử Long nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ 20 là thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Ngày nào, nhà hát cũng mở màn mà chỉ 10 giờ sáng đã bán hết vé. Bây giờ, sân khấu cải lương có những lúc kiệt quệ đến nỗi không thể sáng đèn. Kim Tử Long đã phải làm việc không ngừng, từ hát đến đạo diễn dàn dựng những tiết mục cải lương kết hợp ca nhạc phục vụ nhu cầu khán giả.
Trong bối cảnh nở rộ các hình thức xã hội hóa sân khấu, anh quyết định trở thành ông bầu khi thành lập Công ty TNHH dịch vụ giải trí Kim Tử Long với mong muốn để cải lương bắt kịp thị trường vốn đang bị chiếm lĩnh bởi các hình thức giải trí hiện đại. Ðặc biệt, anh quyết định đầu tư khá nhiều vốn để dựng vở "Rạng ngọc Côn Sơn" nhằm kỷ niệm 100 năm hình thành bộ môn nghệ thuật cải lương, đồng thời tham dự Liên hoan Nghệ thuật cải lương toàn quốc 2018 tổ chức tại Long An. Khi bắt tay dàn dựng, Kim Tử Long cũng biết một vở diễn công phu như vậy sẽ không mang lại lợi nhuận nhưng anh vẫn làm, bởi đây là cơ hội để dựng một vở lớn về lịch sử, đề tài vốn chưa được khán giả cải lương yêu thích. Theo anh, khán giả thường nghĩ đề tài lịch sử khô khan, cứng nhắc, vì thế mình phải dàn dựng "Rạng ngọc Côn Sơn" theo kiểu gần với mô-típ cải lương là lãng mạn, bay bổng, pha chút giải trí để người xem sẽ dần quen và thấy đề tài lịch sử thật lôi cuốn.
Trong "Rạng ngọc Côn Sơn", NSƯT Kim Tử Long vào vai Nguyễn Trãi, một anh hùng, đại thi hào của dân tộc với tâm tư luôn ẩn chứa nhiều nỗi niềm, là thách thức không nhỏ đối với mỗi nghệ sĩ. Bản thân anh vốn nổi tiếng với những vai võ tướng như Mã Siêu, Lục Vân Tiên, Lã Bố…; vừa ca diễn, vừa múa võ mới là sở trường của anh. Thế nhưng, người xem vẫn thấy ở vở diễn một Nguyễn Trãi thật thuyết phục. Kim Tử Long tiết lộ, sở dĩ diễn được như vậy là vì hồi những năm 1980-1990, anh cũng từng vào vai Nguyễn Trãi và đạt được thành công nhất định. Sau ba thập kỷ, anh trở lại với nhân vật này khi đã thấm nhuần tư tưởng của ông. 30 năm với nhiều thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp, anh đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm trong cách ca, cách diễn. Giọng tuy không còn khỏe, nhưng cách xử lý, nhấn nhá câu từ thì đẳng cấp hơn. Với "Rạng ngọc Côn Sơn", khán giả còn thấy một hình thức cải lương rất khác, khi có sự cải biên để gần với nhạc trẻ nhằm tạo sức hút với đối tượng thanh niên. Ðó cũng chính là phương châm sống và làm nghề của Kim Tử Long, là muốn để khán giả nhớ, người nghệ sĩ phải luôn trẻ, luôn biết cách làm mới bản thân.
Dù được trao Huy chương vàng Liên hoan Nghệ thuật sân khấu cải lương 2018 vừa qua, song Kim Tử Long buồn nhiều hơn vui. Anh chia sẻ, trong khi những sự kiện ca nhạc hay điện ảnh luôn diễn ra một cách rầm rộ, thu hút đông đảo công chúng thì cuộc vui ba năm một lần của cải lương lại được tổ chức rất khiêm tốn, thiếu sự đầu tư. Chưa kể, có đến 49 diễn viên được trao Huy chương vàng, trong đó nhiều người ca tụt hơi, hát sai lời, diễn chưa tròn vai. Theo anh, ban giám khảo cần "đãi cát tìm vàng" chứ không phải chia đều giải thưởng, và người nghệ sĩ sau nhiều nỗ lực cống hiến cần được tôn vinh trong không gian sang trọng hơn. Trong hoàn cảnh sân khấu kịch hát dân tộc khó khăn như hiện nay, diễn viên cải lương cần được đào tạo bài bản để trở thành những nghệ sĩ đúng nghĩa. Ðặc biệt, nghệ thuật cải lương cần được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất. Làm sao để sân khấu cải lương luôn sáng đèn là điều không đơn giản.
Sau nhiều thăng trầm, đến nay, Kim Tử Long đã khẳng định vị trí vững chắc của mình trong lòng những người yêu bộ môn nghệ thuật cải lương. Anh quan niệm, phải làm hết mình để được sống trong lòng khán giả, chỉ cần được công chúng yêu mến thì cuộc sống của người nghệ sĩ sẽ ổn. Vừa qua, anh cùng các đồng nghiệp làm được một công việc ý nghĩa là thực hiện chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn", gồm các nghệ sĩ nổi tiếng trước năm 1975 đến nay, để lấy kinh phí giúp đỡ các diễn viên cải lương có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Hà Minh Linh/nhandan.com.vn