Cập nhật: 22/12/2018 11:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành du lịch vừa tổ chức lễ đón vị khách thứ 15 triệu tại Quảng Ninh, ngày 19-12, đánh dấu mốc tăng trưởng liên tục ở mức 26%-30% trong vài năm qua. Tuy nhiên, cùng với niềm vui, chiến lược tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn cho thấy số lượng và chất lượng chưa song hành, thiếu đột phá về chất để bảo đảm phát triển bền vững.

Lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam. Ảnh: VIỆT LINH

Không chỉ chú trọng số lượng

“Kỳ tích” là những đánh giá về con số tăng trưởng lượng khách mà ngành du lịch nêu ra trong những năm trở lại đây. Nếu như năm 2015, Việt Nam mới chỉ đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, năm 2017 đón 12,9 triệu lượt khách thì tới năm 2018, Việt Nam đón tới hơn 15 triệu lượt khách quốc tế. So sánh với giai đoạn trước đó, chưa bao giờ du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng cao và liên tục như ba năm qua. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Không thể phủ nhận, những chính sách quảng bá, thu hút đầu tư, nới lỏng chính sách xuất nhập cảnh… đã tạo nhiều thuận lợi cho du lịch phát triển. Các thị trường khách du lịch đến Việt Nam có thể bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi. Tuy nhiên, nhìn sâu vào những tiêu chí để đánh giá hạ tầng phục vụ du lịch, chất lượng sản phẩm, thời gian lưu trú, mức chi tiêu, dịch vụ thì vẫn chưa có sự đột phá, kỳ tích như kỳ vọng.

Cùng với nhiều lời kêu gọi “mở cửa bầu trời”, những năm qua, thị trường khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không được coi là triển vọng nhất. Tuy nhiên, theo ông Lương Hoài Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietstar Airlines), những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay ở những trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc cũng đều đang quá tải. Hiện nay, cả 21 sân bay của Việt Nam có công suất thiết kế đón 75 triệu khách/năm, nhưng số lượng vận chuyển thực tế của năm 2018 là khoảng 105 triệu khách. Hành trình đón khách đã thấy có những điểm nghẽn, chưa kể tới những dịch vụ mặt đất của du lịch hiện nay còn chưa đạt chuẩn. Nếu Việt Nam vẫn chú trọng tăng trưởng số khách thì về ngắn hạn, lượng cầu đang vượt quá cung, ngay cả từ sân bay tới hệ thống lưu trú của Việt Nam đã và đang quá tải. Hệ thống khách sạn 4 - 5 sao hầu như mới được xây dựng nhiều trong vài năm trở lại đây, chưa thể đáp ứng ngay số lượng lớn khách. Trong khi đó, chưa ai đề cập tới định mức tăng trưởng nguồn thu từ du lịch. Tại Diễn đàn cấp cao du lịch vừa tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, ông John Lindquist (Cố vấn cao cấp Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston - BCG, thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh) chỉ rõ, du khách đến Việt Nam nghỉ lại trung bình là 9,5 ngày, nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 96 USD/ngày.

Chỉ tính trong lĩnh vực tàu biển, thống kê trong năm 2018, số lượt tàu du lịch cập cảng của Việt Nam khoảng 500 lượt tàu, tuy nhiên, 81% số tàu đó là tàu quá cảnh. Bình quân chỉ khoảng một đến hai ngày/một lần cập cảng, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài giờ. Trung bình khách tàu biển lưu tại Việt Nam trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ từ 8 giờ đến 24 giờ. Chi tiêu của khách du lịch tàu biển còn rất thấp, chỉ dưới 100 USD/lần cập cảng. Lý do bởi sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch còn nghèo nàn, thiếu tính đa dạng. Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng các sản phẩm cho khách du lịch chưa hiệu quả, chưa nêu bật được sự khác biệt giữa các điểm đến, khó hấp dẫn những dòng khách đa dạng như hiện nay.

Gỡ điểm nghẽn cho tăng trưởng

Chậm thay đổi kể cả tư duy và hành động là điểm nghẽn làm khó du lịch Việt Nam. Sau nhiều năm kêu ca tại các diễn đàn du lịch về tên miền, tới năm nay, ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Công ty lữ hành HG vẫn than thở tại Diễn đàn cấp cao du lịch rằng tên miền để xin thị thực của Việt Nam quá phức tạp. Ông dẫn chứng, đã có du khách được quyền làm visa online nhưng khi gõ tên miền, họ không biết gõ tiếng Việt đúng trang của Cục Xuất nhập cảnh và đã bị lừa.

Trong khi đó, tại các trung tâm lớn, có thể phát triển các sản phẩm du lịch đô thị nhưng hầu hết vẫn thiếu những cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm siêu thị miễn thuế, sản phẩm lưu niệm đặc thù... Thực trạng khai thác mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa mà chưa đầu tư nhiều vào giải trí và mua sắm khiến nguồn thu từ khách du lịch chưa được như kỳ vọng. Vừa qua, tại Hội nghị du lịch tàu biển được tổ chức tại Quảng Ninh, đại diện Công ty cổ phần cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) thống kê, mặc dù khách tàu biển tăng, nhưng lượng khách lên thành phố Huế tham quan, sử dụng các dịch vụ chỉ vào khoảng 30%, đa số là khách châu Âu, châu Mỹ, đối tượng du khách chuộng tìm hiểu, khám phá văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Còn lại là khách ở trên tàu. Tình hình này cũng không khả quan hơn ở nhiều cảng biển khác trong cả nước.

Trong khi Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến với các nước trong khu vực cũng như các thị trường du lịch mới nổi trên thế giới, thì việc nâng cao xếp hạng về hiệu quả tiếp thị và xây dựng thương hiệu là điều cần phải làm. Hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 80 trong số 136 quốc gia trong bảng xếp hạng này. Giải pháp được nhiều chuyên gia du lịch đưa ra là đầu tư cho công nghệ, tiếp thị nhắm tới đối tượng cụ thể và tiếp thị đa kênh tích hợp, với vai trò chính cho kỹ thuật số, truyền thông xã hội để rút ngắn khoảng cách và sự cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm. Việt Nam phải có điểm nhấn tạo ra sự khác biệt về văn hóa, di sản, ẩm thực, dịch vụ bổ trợ, mua sắm hàng hóa... với các điểm đến trong khu vực mới có thể hấp dẫn dòng khách chi tiêu cao, phát triển các dòng sản phẩm cao cấp để có thể đạt được doanh thu cao, đóng góp cho kinh tế lớn mà điểm đến không chịu cảnh quá tải khi khách đến đông nhưng khả năng chi tiêu lại thấp như hiện nay.

Chương trình Ký ức Hội An tạo thêm trải nghiệm cho du khách.

 

 

Theo  BẢO CHÂU / nhandan.com.vn

Tệp đính kèm