Cập nhật: 26/12/2018 10:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Múa dân gian Tắc Xình là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên. Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để con người tạ ơn trời đất, thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa...

Múa Tắc Xình của đồng bào Sán Chay tỉnh Thái Nguyên đã trở thành sản phẩm du lịch.

Từ ngày 22 đến 24-12-2018, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức trình diễn múa Tắc Xình, triển lãm ảnh múa Tắc Xình, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Sán Chay tỉnh Thái Nguyên tại Không gian Văn hóa trà Tân Cương (TP Thái Nguyên).

Múa Tắc Xình là những vũ điệu uyển chuyển, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tự tôn, khích lệ tinh thần đoàn kết của đồng bào dân tộc Sán Chay nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung. Nhưng do cuộc sống du canh du cư, chiến tranh kéo dài, đời sống khó khăn, cho nên có thời gian dài, múa Tắc Xình bị mai một, lãng quên. Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên có nhiều nỗ lực sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị điệu múa dân gian này.

Năm 1996, ngành văn hóa tỉnh Thái Nguyên và chính quyền địa phương đã tìm tòi, vận động, hỗ trợ một số người cao tuổi có tâm huyết với văn hóa dân gian ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương sưu tầm và phục hồi múa Tắc Xình của đồng bào Sán Chay. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cho biết: “Đề án bảo tồn và phát huy múa Tắc Xình của đồng bào Sán Chay được xây dựng, trong đó đã sưu tầm, phục dựng, may sắm trang phục truyền thống, trao truyền cho thế hệ trẻ, hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ múa Tắc Xình ở địa phương; hỗ trợ xây dựng nhà sàn làm nơi sinh hoạt, biểu diễn của Câu lạc bộ... Với những nỗ lực đó, múa Tắc Xình được bảo tồn và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, có sức sống bền vững đối với đời sống tinh thần của đồng bào Sán Chay ở địa phương...”.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Bùi Huy Toàn chia sẻ: Múa Tắc Xình không những được bảo tồn mà đến nay đã trở thành một sản phẩm du lịch được tổ chức trình diễn và triển lãm ảnh cho hàng chục nghìn du khách trong nước và nước ngoài đến thưởng lãm, tìm hiểu, nghiên cứu về nét văn hóa đặc sắc này. Điều đó cho thấy, múa Tắc Xình được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, góp phần tích cực làm phong phú, đa dạng nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: LÊ THẾ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm