Năm 2018, du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng: lượng khách quốc tế đạt mốc kỷ lục mới hơn 15 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng. Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song đây là cơ hội để du lịch Việt Nam nắm bắt thời cơ, tăng tốc.
Đón khách du lịch quốc tế đường biển tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG
Tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Ngày 19-12, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), bằng Lễ đón vị khách du lịch nước ngoài thứ 15 triệu trong năm 2018, du lịch Việt Nam lần đầu vượt mốc đón 15 triệu khách quốc tế/năm. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch trong nước dự kiến đạt hơn 80 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch năm 2018 có thể đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng. Dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại so với năm 2017, nhưng đây là năm thứ ba liên tiếp du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng cao ấn tượng, hơn 20%/năm.
Năm 2018, hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới năm 2017. Đặc biệt, Việt Nam được tổ chức World Travel Awards trao tặng giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á và châu Đại Dương”. Tiếp đó, hai công trình nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng được Giải thưởng danh giá nhất hành tinh trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn - World Luxury Hotel Awards, vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng nhất thế giới dành cho gia đình” và “Khách sạn lãng mạn nhất thế giới”.
Năm 2018 cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được tổ chức World Golf Awards trao giải thưởng “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”... Ngoài ra, nhiều điểm đến của Việt Nam được các tạp chí danh tiếng về du lịch trên thế giới bầu chọn là điểm đến yêu thích. Như Cầu Vàng tại Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng) mới đưa vào hoạt động tháng 6-2018 đã được Hãng tin CNN xếp vào 124 điểm du lịch ấn tượng nhất về con người và các hoạt động du lịch của năm 2018.
Thị trường du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều hãng hàng không quốc tế, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư vào các dự án du lịch. Những năm qua, khoảng 15 tỷ USD vốn FDI (tính đến cuối năm 2017) đã được đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cùng với hàng tỷ USD của các tập đoàn lớn trong nước, đã đem lại diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Hệ thống hạ tầng du lịch được nâng cấp, thêm nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển và khách sạn năm sao được xây dựng, đưa vào hoạt động tạo ra bước phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất.
Gần đây nhất, cuối tháng 11-2018, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), cảng tàu khách đường biển chuyên biệt hiện đại, đồng bộ nhất Việt Nam do tư nhân đầu tư (trị giá hơn 1.100 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động. Cảng đã đón chuyến tàu khách năm sao quốc tế đầu tiên cập bến, đưa hơn 2.000 du khách và gần 1.000 thủy thủ đoàn tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch trong tỉnh. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có thể tiếp nhận đồng thời hai tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 người. Sự kiện này mở ra bước phát triển mới không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh, mà còn tạo không gian mới cho hợp tác, phát triển du lịch mang tầm quốc tế.
Trong xu hướng phát triển của công nghệ số năm 2018 nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch Việt Nam từng bước ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, số hóa dữ liệu ngành du lịch... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tiếp cận xu hướng du lịch thông minh. Trong đó, đã triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh - VTV Travel; hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động; ra mắt trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ sử dụng công nghệ ảnh 360 độ...
Một số địa phương như Ninh Bình, Phú Yên... đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; số hóa dữ liệu ngành du lịch... Một số doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn... qua thiết bị di động.
Có thể nói, du lịch Việt Nam năm 2018 đã có sự chuyển biến đáng kể trên một nền tảng mới với nhiều điều kiện thuận lợi.
Nắm bắt cơ hội để bứt phá
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng đang bộc lộ những hạn chế, “điểm nghẽn” nguy cơ cản trở sự phát triển trong những năm tiếp theo. Tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam vừa qua rất nhanh. Nhưng phát triển nhanh đến một ngưỡng nhất định, ngành du lịch và các ngành liên quan sẽ phải đối mặt các thách thức không thể giải quyết ngay trong một thời gian nhất định. Thí dụ như lĩnh vực hàng không, hạ tầng sân bay… Tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam mới đây, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam có thể chỉ mất bảy năm để đạt mức 30 triệu khách quốc tế vào năm 2025 (trong khi Thái-lan phải mất 20 năm để đạt được 30 triệu lượt khách quốc tế), song Việt Nam nhất thiết phải sẵn sàng về kết cấu hạ tầng.
Một trong các yếu tố cản trở du lịch Việt Nam phát triển hiện nay là “điểm nghẽn” về hạ tầng. Các cảng hàng không ở Việt Nam đều đang quá tải. 21 sân bay trên cả nước hiện có tổng công suất thiết kế phục vụ 75 triệu lượt khách/năm, chỉ tương đương công suất của sân bay Chang-gi (Xin-ga-po), hay sân bay quốc tế Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a). Nhưng thực tế, các sân bay này đã phải phục vụ 95 triệu lượt khách (năm 2017) và dự kiến phải phục vụ 105 triệu lượt (năm 2018). Trong khi đó, việc nâng cấp sân bay rất chậm chạp. Để gỡ “điểm nghẽn” này, các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có giải pháp xã hội hóa trong phát triển hạ tầng sân bay, khuyến khích khối kinh tế tư nhân tham gia xây mới sân bay.
Năm 2018, tại nhiều hội thảo và diễn đàn, Chính phủ và ngành du lịch cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, “điểm nghẽn” mà du lịch Việt Nam đang gặp phải để có giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ. Đó là các “điểm nghẽn”: hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực yếu; năng lực quản lý điểm đến còn thấp; phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường... Sự mai một của văn hóa bản địa và quản lý an ninh, an toàn điểm đến cũng đang ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Việc Chính phủ và ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài thật sự là những tín hiệu đáng mừng. Đầu tháng 12-2018, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 Việt Nam có tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp hơn 10% GDP; tạo ra sáu triệu việc làm, trong đó có hai triệu việc làm trực tiếp; nâng tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 đến 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 130 triệu lượt khách du lịch trong nước… Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong nước và nước ngoài phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi...
Theo Đề án, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách thị thực, phát triển hàng không và hạ tầng sân bay, bến cảng, thu hút đầu tư FDI vào du lịch; phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên, khai thác giá trị các di sản để phục vụ du lịch; lấy du lịch biển là trọng tâm...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, có thuyết minh du lịch dịch tự động sang các ngôn ngữ phổ biến... Đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo phục vụ du khách...
Đề án có giao nhiệm vụ và có cơ chế, bố trí nguồn lực để các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện. Trước hết, một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là nâng cấp Cổng thông tin du lịch Việt Nam; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; phát triển ứng dụng xây dựng nội dung, tự động cập nhật thông tin cho khách du lịch sau chuyến đi...
Để phát triển du lịch, chỉ riêng nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ, mà cần sự kết nối và tham gia của các bên liên quan như hàng không, hải quan, xuất nhập cảnh, thuế, thương mại…, của cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Do đó, với việc khẩn trương thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, đồng thời thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với xu thế và sự phát triển du lịch trong bối cảnh công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội, chuyển đổi cách thức hoạt động một cách căn cơ, để tăng tốc bứt phá trong những năm tới.
Theo QUANG ĐÔNG/nhandan.com.vn