Cập nhật: 26/12/2018 15:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôi miệng có thể không liên quan đến bệnh lý trầm trọng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, làm cho ta thiếu tự tin khi giao tiếp hằng ngày.

Hôi miệng thật phiền toái cho cả “gia chủ” và mọi người tiếp xúc xung quanh. Theo lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội, hôi miệng do rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có thể do viêm răng, lợi, do vi trùng, virus gây ra; thứ hai là có thể do viêm mũi, viêng xoang, viêm họng; thứ ba là do viêm loét dạ dày, tá tràng thể nhiệt; thứ tư là do bệnh gan, bệnh thận hay bệnh ung thư. Ngoài ra, hôi miệng có thể do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc do dùng một số loại thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu…

(Ảnh minh họa: KT)

Lương y Bùi Hồng Minh cho rằng, để điều trị hiệu quả chứng hôi miệng cần phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó có rất nhiều bài thuốc từ cây lá vườn nhà dễ tìm, xử trí đơn giản mà hiệu quả. Ví dụ với những người bị hôi miệng do viêm răng lợi có thể dùng bài thuốc từ lá bàng: Lấy khoảng 1kg lá bàng bánh tẻ, rửa sạch đem đun với 4 lít nước, cho thêm chút muối (lượng muối tương đương như nấu canh). Đun đến khi còn 0,5-1 lít nước. Dùng nước này xúc ngậm ít nhất 2 lần/ngày, ngậm 10-15 phút rồi nhổ đi. Nước này có thể để nguội rồi cho vào tủ lạnh dùng dần.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, lá bàng có chứa nhiều chất hóa học có tác dụng diệt khuẩn, sát khuẩn rất tốt, do đó, lá bàng cho hiệu quả cao trong việc làm lành các vết loét miệng, viêm da, diệt khuẩn, trị sâu răng, trị viêm họng, chữa mụn mủ, mụn đầu đinh, bệnh phụ khoa... Còn đối với những người bị hôi miệng do viêm loét dạ dày, tá tràng thể nhiệt, có thể uống nước bột sắn dây sống, uống nước rau má, rấp cá; Hay hôi miệng do ăn tỏi, do hút thuốc có thể dùng cách đơn giản là dùng vỏ chanh chà xát hoặc uống nước chanh, nhai vỏ chanh...

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian có một số bài thuốc có thể chữa hôi miệng như dùng mật ong, vỏ quả bưởi phơi khô, giấm rượu táo và đặc biệt là nước trà xanh đặc pha thêm nước cốt chanh dùng xúc miệng vừa dễ kiếm lại có công dụng rất mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hôi miệng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc áp dụng các bài thuốc nêu trên chỉ là “chữa ngọn”. Do đó, cùng với các biện pháp dùng thuốc cây lá vườn nhà, lương y Bùi Hồng Minh lưu ý cần phải điều trị đúng căn nguyên và triệt để.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, có nhiều lời đồn về lá bàng non khi qua “chế biến” có thể chữa ung thư. Đây chỉ là sự thổi phồng về công dụng của nó. Thực chất, lá bàng non, lá bàng bánh tẻ, thậm chí là quả bàng là bài thuốc được truyền trong dân gian. Nó có thể dùng trong các bài thuốc chữa một số bệnh như tiêu hóa, đau bụng, đau răng nhưng ở mức độ nhẹ. Nhưng cũng còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Còn đối với bệnh ung thư, các tài liệu về đông y chưa thấy đề cập đến việc trị bệnh từ loại cây này. Vì vậy, người dân không nên tùy tiện dùng, tránh trường hợp xấu xảy ra dẫn đến tiền mất, tật mang. 

Theo Thu Hà/VOV.VN

 

Tệp đính kèm