Cập nhật: 28/12/2018 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ba tỉnh khó khăn xin Chính phủ hỗ trợ gần 2.500 tấn gạo cho 162 nghìn dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẵn sàng xuất cấp sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm gạo hỗ trợ đến sớm nhất với người dân trước Tết.

Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước thông tin về hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia.

Xuất cấp hơn 120 nghìn tấn gạo hỗ trợ

Sáng ngày 27-12, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính, tổ chức họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, dự án trồng rừng và học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2018.

Ông Phạm Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ, cho biết, về lương thực, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã xuất cấp 120.428 tấn gạo với tổng giá trị khoảng 1.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân các địa phương. Trong đó, số lượng gạo xuất là 113.183 tấn; xuất thóc gia công xay xát thành gạo là 7.245 tấn.

Tổng cục cũng phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn triển khai xuất cấp trang thiết bị theo kế hoạch năm 2018 để trang bị cho các bộ, ngành, địa phương với tổng giá trị hàng, thiết bị khoảng 302,35 tỷ đồng.

Đối với các mặt hàng do các bộ, ngành quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh: 1,226 triệu liều vaccine các loại; 65.345 lít hóa chất sát trùng các loại; 550 tấn hóa chất Chlorine; 16.000 lít hóa chất Han-Iodine. Ngoài ra còn có 32,5 tấn hạt giống rau; 3.615 tấn hạt giống lúa và 483 tấn hạt giống ngô với tổng giá trị hàng hóa là 217 tỷ đồng.

Ông Phạm Việt Hà khẳng định, số lượng hàng DTQG trong năm 2018 đã xuất cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, hàng được phân bổ đúng đối tượng, vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Việc hỗ trợ gạo cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2018 và khắc phục hậu quả mưa lũ là một trong những chính sách hợp lòng dân. Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt… Sự trợ giúp này giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống phát triển sản xuất; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cũng như sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho học sinh được các địa phương, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đánh giá là một trong những chính sách mang lại hiệu quả và ý nghĩa chính trị rất lớn. Chính sách này góp phần khuyến khích động viên các em học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao. Đây cũng là một nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương trong tương lai.

Chủ động xuất cấp gạo dịp Tết Nguyên đán 2019

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Lê Văn Thời cho hay, nhiều năm qua, hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ đều có chính sách và ban hành các quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương vùng khó khăn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lụt. Việc xuất cấp gạo dự trữ cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán là nhiệm vụ đặc biệt của cơ quan này tâm.

Ông Lê Văn Thời chia sẻ, những năm trước, tại một số địa phương, trong thời điểm từ ngày 20 đến 27 Tết, Tổng cục DTNN mới nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ gạo cho nhân dân. Do đó, việc hỗ trợ gạo cho các địa phương phải thực hiện trong thời gian ngắn. Với kinh nghiệm và nhiệt tình của cán bộ ngành dự trữ, việc xuất kho, vận chuyển, giao nhận đã hoàn thành, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân dịp Tết. Thậm chí, có năm, tới tận 30 Tết, việc cấp gạo cho người dân mới hoàn thành.

Rút kinh nghiệm từ đó, trong những năm gần đây, Tổng cục DTNN phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương sớm rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ lương thực dịp Tết.

Đến thời điểm hiện nay, đã có ba địa bàn khó khăn đề nghị hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán 2019. Cụ thể, tỉnh Yên Bái xin hỗ trợ 380 tấn gạo cho 25.354 khẩu; Nghệ An xin hỗ trợ 1.264 tấn cho 84.324 khẩu, Ninh Thuận xin 797 tấn cho 53.152 khẩu. Một số địa phương khác đang thống kê, tổng hợp số gạo cần hỗ trợ, đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư… để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để xuất cấp.

Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời nhấn mạnh: “Theo thống kê, hằng năm có khoảng 15-16 tỉnh xin hỗ trợ gạo cho người dân vào dịp Tết và giáp hạt. Tổng mức gạo xin hỗ trợ trong khoảng 11.500-12.000 tấn cho khoảng gần một triệu người dân. Trên cơ sở số liệu dự kiến hỗ trợ hằng năm và nhu cầu đề nghị của một số địa phương, Tổng cục cũng đã có kế hoạch, phương án chuẩn bị về mọi mặt như hàng hóa, phương tiện vận chuyển, con người.., để sẵn sàng xuất cấp tại địa bàn các Cục DTNN khu vực ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm bảo đảm gạo hỗ trợ đến sớm nhất với người dân trong dịp Tết.

Mặt khác, Tổng cục DTNN cũng đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn quản lý sẵn sàng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ. Qua đó, khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện được ngay; tránh tình trạng khi có Quyết định mới bắt đầu triển khai, thực hiện.

Tổng cục DTNN đặt mục tiêu sau ba ngày kể từ khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch tiếp nhận của địa phương, gạo DTQG sẽ giao cho người dân. Việc giao nhận gạo cho các địa phương cố gắng hoàn thành trước ngày 20 Tết.

Tuy vậy, theo ông Lê Văn Thời, dù đã chuẩn bị sẵn kế hoạch giao gạo, nhưng việc này phụ thuộc vào thời gian các địa phương tổng hợp sớm hay muộn, và thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xuất cấp.

Về chất lượng gạo DTQG hỗ trợ cho nhân dân, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời khẳng định: “Cho đến nay, chất lượng gạo DTQG ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cho người sử dụng đều bảo đảm chất lượng theo quy định”. Hiện nay, gạo dự trữ quốc gia có quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng rất cụ thể. Trước khi nhập kho, gạo được kiểm tra chặt chẽ qua nhiều khâu, đồng thời đưa vào kho, áp dụng công nghệ bảo quản kín hiện đại trong thời gian hai năm. Điều này giúp bảo đảm chất lượng gạo trước khi xuất kho.

“Trước đây có thông tin phản ánh gạo dự trữ phát cho nhân dân có hiện tượng bị mốc, ôi... chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy, đó không phải gạo hỗ trợ từ nguồn DTQG mà từ nguồn khác”, ông Lê Văn Thời cho biết thêm. 

Theo NGÂN ANH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm