Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018, thí sinh ảo rất nhiều nên Bộ GD-ĐT cần cân nhắc không nên cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng...
Nhiều trường đào tạo sư phạm không tuyển được sinh viên theo chỉ tiêu đề ra, có sự mâu thuẫn về cung-cầu giáo viên ở các địa phương và cần có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút học sinh giỏi đầu quân vào trường sư phạm là những vấn đề chính được nhiều đại diện các trường đại học (ĐH) nêu ý kiến tại Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH và trường Sư phạm năm 2018 diễn ra sáng 28/12.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018, thí sinh ảo rất nhiều, có nhiều em có điểm trúng tuyển đăng ký vào các trường nhưng sau đó lại không nhập học. Điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc cho thí sinh không đăng ký nhiều nguyện vọng.
Cán bộ một trường đại học tư vấn tuyển sinh, chọn ngành nghề cho thí sinh
Nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào các trường sư phạm, năm 2018, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định điểm xét tuyển vào các trường ĐH sư phạm phải đạt 17 điểm. Tuy nhiên, qua quá trình tuyển sinh, nhiều trường đào tạo phạm không tuyển được 50-60% chỉ tiêu.
Từ thực tế này, GS.TS Hồng Quang cho rằng cần phải tính toán như thế nào để vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm với việc tuyển sinh vì còn tính đến yếu tố chọn lựa người say mê nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức.
GS Hồng Quang đưa ra thực tế, hiện nay ở khu vực có người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH sư phạm đếm trên đầu ngón tay. Điều này là sự mâu thuẫn về cung-cầu giáo viên và tuyển dụng giáo viên ở các Sở GD-ĐT. Do đó, để khắc phục bất cập này cần có chính sách đặc biệt cho những vùng khó khăn trong việc đảm bảo giáo viên cấp mầm non và THCS.
Ngoài ra, để giảm thiểu tuyển sinh manh mún, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT cần tiến hành nhanh quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, chỉ những cơ sở đào tạo giáo viên đã được kiểm định chất lượng mới được tuyển sinh.
Có ngành chỉ được giao 20 chỉ tiêu tuyển sinh
Trong thời gian qua, có ngành chỉ được giao 20 chỉ tiêu nên rất khó khăn cho các trường trong đào tạo. Đó là thông tin mà ông Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cho biết.
Vấn đề thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm cần được quan tâm hơn nữa (ảnh minh họa)
Đề xuất giải pháp khắc phục, ông Trung Dũng nêu quan điểm, cùng với việc phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH sư phạm thì Bộ GD-ĐT cần cân nhắc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có đào tạo sư phạm một cách hợp lý hơn.
Còn đại diện ĐH Quy Nhơn nêu ý kiến, việc đào tạo các trường sư phạm phải đảm bảo mục tiêu tuyển sinh đủ về số lượng và chất lượng đào tạo. Cùng với đó, việc tuyển dụng giáo viên phải đến từng vùng, miền; quy hoạch các trường sư phạm phải triển khai khẩn trương.
Đề cập tới việc thu hút học sinh giỏi vào các trường ĐH sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm: Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông mới nên các địa phương cần có đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi để đáp ứng yêu cầu mới.
Trước đây, chúng ta đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh đăng ký vào các trường ĐH sư phạm. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này không có đủ sức thuyết phục để thu hút sinh viên giỏi vào trường nữa.
Học sinh giỏi bây giờ quan tâm nhất là ra trường có việc làm hay không, mức lương, môi trường làm việc như thế nào. Nếu không làm tốt được những điều này thì sẽ khó có thể thu hút học sinh giỏi đầu quân vào các trường sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An
Sẽ dừng tuyển sinh với trường không đạt yêu cầu
Trước những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các trường sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho biết, về phía Bộ GD-ĐT, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có 2 đề án xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm; Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra hoạt động đào tạo, tuyển sinh của các trường ĐH. Nếu trường nào vi phạm hay không đáp ứng được yêu cầu đề ra, Bộ sẽ dừng tuyển sinh.
Thứ trưởng Lê Hải An cũng cho biết, trong năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng trong năm 2020 về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050./.
Theo Bích Lan/VOV.VN