Cập nhật: 07/01/2019 13:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cách đây 40 năm, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ: Đánh chiếm cảng Kampong Som và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam.

Các đại biểu tại lễ tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch.

Vừa qua, tại Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân tố chúc trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 - 1-2019).

Đánh nhanh, đánh mạnh

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, năm 1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ba nước Đông Dương giành thắng lợi, mở ra cho cách mạng mỗi nước bước vào giai đoạn lịch sử mới. Nhưng ở Campuchia, chế độ Khmer Đỏ do tập đoàn Pôn Pốt lãnh đạo bộc lộ rõ bộ mặt phản động, hiếu chiến, tàn bạo. Chúng kích động thù hằn dân tộc, gây tâm lý chống Việt Nam và thi hành chính sách diệt chủng rất tàn bạo có một không hai trong lịch sử. Chỉ trong gần bốn năm (từ năm 1975 đến 1978), chúng đã giam cầm, sát hại dã man hàng triệu người dân vô tội, hàng nghìn cán bộ cách mạng, phá hủy mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, xua quân tiến công đảo Phú Quốc, đánh chiếm đảo Thổ Chu và tiến hành hàng loạt vụ khiêu khích, xâm nhập, lấn chiếm biên giới, gây xung đột vũ trang với ta.

Đầu năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn tiến công xâm lược trên toàn tuyên biên giới Tây Nam, tàn sát dã man hàng nghìn người dân, phá hủy hàng trăm công trình, làng mạc, thị trấn ở các tỉnh biên giới nước ta. Trên đất nước Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước, nhân dân và các lực lượng cách mạng nổi dậy mạnh mẽ, thiết tha kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đáp lại lời kêu gọi đó và để đập tan hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt, tiêu diệt tận gốc mầm họa xâm lăng, tháng 12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược giúp lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng.

Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Chính ủy Quân chủng Hải quân, trong các hướng tiến công chiến lược của ta, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ: đánh chiếm cảng Kampong Som và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam.

Sau khi hoàn tất các mặt công tác chuẩn bị, đúng 22 giờ đêm 6-1-1979, sau giai đoạn hành quân vượt biển, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn bắt đầu. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các đơn vị: Vùng 5 Hải quân, Lữ đoàn 126 Hải quân, Hạm đội 171 Hải quân và Lữ đoàn 125 Hải quân phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng bí mật đánh chiếm bãi biển dưới chân núi Tà Lơn, tổ chức thành những lớp sóng đổ bộ đưa lực lượng Hải quân đánh bộ lên bờ, tạo bàn đạp đồng loạt tiến công trên các hướng và phát triển chiến đấu. Trong ngày đầu chiến dịch, ta bắn cháy, bắn chìm tại chỗ 10 tàu thuyền và bắn bị thương một số chiếc khác, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng địch bị tốn thất nặng nề.

Ngày 8-1-1979, địch lợi dụng các cao điếm chung quanh khu vực ngã ba Ream, dùng hỏa lực pháo binh và lực lượng bộ binh phản kích, chống trả điên cuồng hòng ngăn chặn thế tiến công của ta. Tại đây, Lữ đoàn 126 Hải quân và Lữ đoàn 101 Vùng 5 Hải quân tổ chức cho bộ đội chiến đấu kiên cường, giành giật với địch từng ổ súng, từng mét đất và đã đập tan tuyến phòng ngự của chúng. Bước sang ngày 9-1, với sự yểm trợ của hỏa lực không quân, Lữ đoàn 126 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao. Sau hơn ba giờ chiến đấu anh dũng, quân ta đã làm chủ toàn bộ khu vực ngã ba và sân bay Ream.

Trên hướng biển, Hạm đội 171 tập trung hỏa lực công kích cảng Kampong Som và quân cảng Ream, ngăn chặn kịp thời nhóm tàu phóng lôi của địch ra phản kích ở Tây Nam cảng Ream. Ngày 10-1, các mũi tiến công của Lữ đoàn 126 hiệp đồng với Trung đoàn 66 Quân đoàn 2 tiếp tục phát triển chiến đấu, giải phóng toàn bộ thị xã và cảng Kampong Som. Ở khu vực cảng Ream, Lữ đoàn 101 Vùng 5 Hải quân và Hạm đội 171 Hải quân phối hợp Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, đến chiều cùng ngày, ta làm chủ toàn bộ khu vực cảng Ream.

Sau năm ngày đêm chiến đấu kiên cường tiến công địch, các lực lượng của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả trên biển và trên đất liến; bao vây, chia cắt, đẩy địch vào thế bị cô lập và nhanh chóng tan rã. Quân chủng Hải quân hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ đổ bộ, phát triển chiến đấu, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, giải phóng thị xã Kampong Som và quân cảng Ream - đây là vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ ven biển phía Đông Nam của Campuchia.

Chiến dịch Tà Lơn là chiến dịch đổ bộ đường biền đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam và đã giành thắng lợi. Kết quả của chiến dịch đã tạo thế, tạo thời cơ cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu giai đoạn tiếp theo, giải phóng toàn bộ khu vực đất đai từ Kampong Som đến Koh Kong với diện tích hơn 3.000 km2 và vùng biển, hải đảo của Campuchia; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tố quốc, cùng các cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tổng tiến công, nổi dậy đập tan toàn bộ chính quyền phản động Pôn Pốt.

Nhiều tấm gương Anh hùng

Theo Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, với chiến công của Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, quân đội nói chung và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng được Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư biểu dương, khen ngợi "đã chiến đấu anh dũng làm nên một thắng lợi rất vẻ vang…”. Quân chủng Hải quân có năm tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), 79 tập thể và 471 cá nhân được tặng, truy tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng.

Cùng với dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, 40 năm trôi qua, hình ảnh chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong Chiến dịch vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Từ trong chiến đấu đã xuất hiện rất nhiều tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiêu biểu như tập thể Tàu 203 và Tàu 215 của Lữ đoàn 171 Hải quân đã chiến đấu rất ngoan cường, táo bạo, nhiều lần chặn đứng các đợt phản kích của địch. Tàu 215, mặc dù bị địch bắn trúng đài chỉ huy, một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, song những người còn lại không hề nao núng, vừa đánh địch, vừa cấp cứu đồng đội. Như các Tiểu đoàn 863, 864 và 867 của Lữ đoàn 126 Hải quân đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, có những lúc bị địch bao vây, cô lập, nhưng các chiến sĩ ta vẫn kiên cường giữ vững vị trí, liên tục chiến đấu cả ngày lẫn đêm, giằng co với địch trên từng ụ súng, đánh bại hàng chục đợt phản kích của chúng.

Đó là hình ảnh của Trung úy Trần Văn Hòa, Ngành trưởng Tàu HQ-007, trong lúc chiến đấu bị trúng hỏa lực bắn thẳng của địch, bị thương nặng nhưng vẫn gượng dậy để chỉ huy bộ đội. Trước lúc hy sinh, anh gửi gắm với mọi người “hãy chiến đấu để bảo vệ cho nhân dân”. Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Vĩnh bị mảnh đạn bắn xuyên vào chân và phải cắt bỏ nhưng vẫn ngồi trên mâm pháo chiến đấu cho đến trận cuối cùng. Binh nhất Bùi Vãn Sáng chưa đầy một tuổi quân, một mình đánh lui và tiêu diệt hàng chục tên địch. Chiến sĩ lái xe tăng Lương Văn Phương bị thương nặng ở mặt, mắt bị hỏng nhưng không rời tay lái, nhờ đồng chí pháo thủ dẫn đường, vẫn điều khiển xe tăng thoát khỏi vòng vây của địch. Binh nhất Phạm Văn Đạm vừa làm nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc cho đơn vị, vừa chiến đấu tiêu diệt sáu tên địch, bảo vệ an toàn cho 21 đồng chí thương binh của ta...

Và còn biết bao tấm gương sáng ngời trong chiến đấu, với tinh thần xả thân quên mình “sống bám tàu, bám trận địa”, “chết kiên cường, dũng cảm’’. Các anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp quốc tế vô tư, trong sáng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Trước đó, sáng 24-12, tại buổi lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững bùi ngùi: “Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương và mồ hôi nước mắt. Sư hy sinh của các anh đã trở thành tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam…”.

“Và hôm nay, về với vùng biển đảo một thời oanh liệt, tại bến những con tàu xuất phát làm nên chiến thắng, trước biển khơi bao la, giữa bốn bề sóng nước, với lòng thành kính hướng về hương hỏa tổ tiên và anh linh những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống, trong niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc anh hùng, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho biển đảo quê hương mãi mãi yên bình”, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững bày tỏ.

Các cựu binh từng góp mặt trong chiến dịch.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Chính ủy Quân chủng Hải quân đọc diễn văn tại buổi tưởng niệm.

Quang cảnh tại Lễ tưởng niệm.

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm