Cập nhật: 08/01/2019 10:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động giáo dục “kỹ năng mềm” ngoài những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Trong đó, chương trình đưa trò chơi dân gian vào trường học thu hút sự tham gia tích cực của học sinh.

Học sinh Đà Nẵng tham gia trò chơi kéo co.Ảnh: HOÀNG VƯƠNG

Từ năm học 2016-2017, Sở GD và ĐT thành phố Đà Nẵng xây dựng khung chương trình đưa trò chơi dân gian vào trường học. Sau đó, chương trình được triển khai bằng việc tập huấn kỹ năng tổ chức cho 200 cán bộ đoàn, hội, đội các trường phổ thông trên địa bàn. Những giáo viên được tập huấn đã truyền tải kiến thức, “kỹ năng mềm” đến học sinh bằng tất cả sự hào hứng, cuốn hút. Tùy từng lứa tuổi học sinh, giáo viên vận dụng để lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp, nhất là trong các dịp tổ chức ngày hội dân gian, giao lưu văn hóa, hội trại.

Điển hình trong kỳ nghỉ hè 2018, gần hai nghìn học sinh các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP Đà Nẵng tham gia những trò chơi tập thể trong Ngày hội Mùa hè với các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, nhảy sạp, hát dân ca Khu 5, bài chòi… Nhiều học sinh cho biết, khi tham gia các trò chơi dân gian, áp lực học tập giảm rất nhiều. Em Nguyễn Hoàng Nhi, học sinh Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Khi tham gia ngày hội, chúng em có thêm thời gian và kỷ niệm trong trẻo của tuổi học trò. Cũng là để tìm hiểu về các giá trị văn hóa dân gian một cách trực tiếp bằng trò chơi, bằng các hướng dẫn của thầy, cô giáo”.

Thầy giáo Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD và ĐT Đà Nẵng cho biết, tổ chức các trò chơi dân gian là cách để kéo học sinh về với tuổi trẻ thật sự, tránh xa thế giới ảo. Tổ chức tốt trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian trong trường học sẽ tạo một sân chơi vui tươi, đoàn kết, gắn bó; qua đó, rèn luyện thể chất, tài năng nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống, ý thức quý trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa của địa phương Đà Nẵng nói riêng. Đáng chú ý, quá trình triển khai không phải tất cả các trò chơi dân gian đều được đưa vào nhà trường mà có sự chọn lựa, cân nhắc, bảo đảm an toàn, phù hợp với các lứa tuổi học sinh. Thầy giáo Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Tây Sơn (quận Hải Châu) cho biết, hiện nay thời lượng của một ngày học đã được cố định bằng số tiết và cả giờ ra chơi. Với khoảng thời gian chỉ năm phút nghỉ giữa các tiết học và 20 phút chơi giữa buổi, học sinh chỉ có thể chơi tự do các trò chơi như nhảy dây, đá cầu. Cho nên, cách làm hiệu quả hiện nay là các trường đã chọn tổ chức các trò chơi dân gian thông qua hoạt động ngoại khóa giúp học sinh sống trong một không gian đậm chất dân gian với không khí hội hè thật sự với các trò chơi phong phú, đa dạng. Thầy giáo Cao Trung Kiên, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), chia sẻ: Học sinh THPT thì sẽ không mặn mà nhiều với các trò chơi như ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi chuyền mà chủ yếu phải là những trò chơi vận động tập thể… Trong hơn 100 trò chơi dân gian, các trường phải lựa chọn, cách thức và thời gian tổ chức các trò chơi cũng phải cân nhắc sao cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả. Thầy giáo Trương Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, các trường học không quá tốn kém kinh phí nếu lựa chọn những trò chơi phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường để tổ chức cho học sinh tham gia. Học sinh sẽ được tiếp cận những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc và đây là hoạt động tập thể để hình thành và rèn luyện kỹ năng, nâng cao thể lực cho học sinh.

Những chương trình giáo dục hướng về học sinh, dành cho học sinh tất cả những gì tốt đẹp nhất đã và đang được ngành GD và ĐT Đà Nẵng triển khai, đem lại một không khí mới, làm cho trường học rộn ràng hơn, vui vẻ hơn, sôi động hơn trong những buổi học chính khóa và ngoại khóa và qua đó cũng hướng học sinh đến nét đẹp chân - thiện - mỹ. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, chủ trương đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài mang lại cho học sinh niềm vui, giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc thì còn là một kênh để rèn luyện cho các em kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ. Học sinh có thể chơi không giỏi nhưng các em phải vui và hào hứng, có như thế, mới giúp các em phát triển toàn diện thể chất và tâm hồn. 

Theo  ANH ĐÀO/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm