Cập nhật: 09/01/2019 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng 25 km2, trên hồ có nhiều đảo, chung quanh là rừng núi xanh thẳm, khí hậu trong lành, nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa, giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực thuận lợi nên có tiềm năng lớn về du lịch.

Khu du lịch hồ Núi Cốc chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về du lịch.

Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm thu hút nhiều du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Là hồ nhân tạo lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc gắn với chuyện tình chàng Công- nàng Cốc nổi tiếng, hồ Núi Cốc từ lâu đã được biết đến là khu du lịch nổi bật ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay hồ Núi Cốc vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.

Nguyên nhân chủ yếu là do, khu vực hồ Núi Cốc vẫn chưa có nhiều sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn, cơ sở lưu trú chất lượng cao còn ít, phục vụ chưa thật sự chuyên nghiệp nên không “giữ chân” được khách lưu trú dài ngày. Mặc dù hạ tầng giao thông từ TP Thái Nguyên kết nối với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trung du miền núi phía bắc đã thuận lợi, nhưng giao thông từ TP Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc chưa đáp ứng yêu cầu của du khách.

Thái Nguyên xác định, xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện tự nhiên, văn hóa và khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn; xây dựng các sản phẩm du lịch xứng tầm là khu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh và khu vực miền bắc, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để làm được điều đó, thời gian gần đây tỉnh Thái Nguyên đã và đang huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối giữa TP Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc, đường nội bộ trong khu vực hồ, tôn tạo, xây dựng cơ sở tâm linh, các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có để hấp dẫn, thu hút du khách.

Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, phương tiện tham quan hồ còn đơn sơ nên chưa hấp dẫn du khách.

Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hiện nay tỉnh đang khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Núi Cốc để kết nối khu bắc và nam hồ với tổng vốn đầu tư 123 tỷ đồng và sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian tới. Tỉnh đã phê duyệt đề xuất dự án đường trục nối ĐT.261 đến khu vực Đền Gàn trong khu vực hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Xác định ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch, giao thông kết nối với Khu du lịch hồ Núi Cốc nên tỉnh đã mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đang tích cực giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu tâm linh hồ Núi Cốc, trong đó có việc tôn tạo, đầu tư hạng mục thành phần là Khu tâm linh Đền Gàn. Khi khu tâm linh hoàn thành sẽ là một trong những điểm nhấn tại khu du lịch này.

Du khách từ trung tâm TP Thái Nguyên vào hồ Núi Cốc chủ yếu theo đường Tố Hữu nhỏ hẹp, quanh co, đi qua nhiều khu dân cư, mật độ giao thông đông nên mất nhiều thời gian, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất lớn. Khắc phục bất cập này, đầu tháng 7- 2018, tỉnh đã khởi công xây dựng đường hồ Bắc Sơn kéo dài theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng B.T.

Đường Bắc Sơn kéo dài có chiều dài 9,5 km, đoạn hẹp nhất là 22,5m, đoạn rộng nhất là 61m, điểm đầu kết nối với đường Lương Ngọc Quyến ở trung tâm TP Thái Nguyên, tiếp đó giao cắt với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đi qua các phường Quang Trung, Tân Thịnh, Thịnh Đán và các xã Quyết Tắng, Phúc Xuân để đến khu du lịch hồ Núi Cốc, với tổng vốn đầu tư 2.151 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh Thái Nguyên đầu tư 723 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.

Mặc dù chưa được thanh toán để từng bước hoàn vốn đầu tư, nhưng xác định đây là tuyến đường có ý nghĩa nâng tầm Khu du lịch hồ Núi Cốc và là động lực để phát triển đô thị, kinh tế, xã hội phía tây TP Thái Nguyên, thời gian qua nhà đầu tư là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa tuyến đường này vào sử dụng từ năm 2020.

Góp phần thu hút du khách, tỉnh và nhà đầu tư đang khẩn trương thi công đường Bắc Sơn kéo dài và cổng vào Khu du lịch hồ Núi Cốc.

Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: “Là tuyến đường được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhưng các phòng, ban của thành phố giám sát chặt chẽ việc thi công theo đúng thiết kế, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật. Hình thức thanh toán để nhà đầu tư hoàn vốn sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước”.

Việc xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài thể hiện nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức triển khai quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và quy hoạch phát triển TP Thái Nguyên mà Chính phủ đã phê duyệt.

Khi đường Bắc Sơn kéo dài được đưa vào sử dụng, du khách đi từ trung tâm TP Thái Nguyên vào khu du lịch hồ Núi Cốc chưa đến 10 phút, thay vì phải mất hơn 30 phút trước đây; từ trung tâm Hà Nội đến Khu du lịch hồ Núi Cốc chỉ hết khoảng hơn một tiếng. Đồng thời, tuyến đường này còn là tiền đề để tỉnh Thái Nguyên tăng cường thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nâng cấp, tạo ra những sản phẩm du lịch mới nhằm hấp dẫn du khách, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho dân cư vùng hồ Núi Cốc rộng lớn.

Mặt khác, đường hồ Bắc Sơn kéo dài sẽ tạo ra quỹ đất rất lớn ở hai bên để TP Thái Nguyên mở rộng không gian đô thị, phát triển các khu đô thị mới, một số trung tâm thương mại, dịch vụ nhằm phát triển kinh tế. Nhiều đoạn đi qua những đồi chè đặc sản nổi tiếng với cảnh quan đẹp, góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp, trải nghiệm.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm