Cập nhật: 11/01/2019 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời tiết chuyển mùa nhiều bệnh dễ xuất hiện, trong đó có viêm phế quản cấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi (NCT).

Bài này chỉ đề cập đến viêm phế quản  cấp ở NCT, bệnh nếu không được chữa trị đúng, kịp thời có thể trở thành mạn tính, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.

Phế quản là một thành phần của hệ thống hô hấp được nối tiếp với khí quản và chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái, bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản đến rốn phổi. Hai phế quản tạo với nhau một góc 700. Phế quản chính phải thường lớn hơn, dốc hơn và ngắn hơn nên khi dị vật lọt vào thường đi vào phổi phải.

Phế quản nằm trong đường ống dẫn khí có nhiệm vụ đưa không khí lưu thông từ ngoài vào phế nang và ngược lại. Phế quản có hình như cành cây, có chi nhánh đến các thùy phổi.

Khi nào được gọi là viêm  phế quản cấp?

Đó là tình trạng phế quản bị viêm đột ngột, kèm theo sự phản ứng tại chỗ và toàn cơ thể. Viêm phế quản được tạo thành từ các ống nhỏ hơn bao gồm phế quản, tiểu phế quản và phế quản tận cùng (phế nang). Khi các ống này bị viêm nhiễm, niêm mạc phế quản sẽ bị phù nề, sung huyết, bong các biểu mô phế quản và xuất tiết nhiều tạo thành đờm, thậm chí có mủ bao phủ niêm mạc phế quản, do đó lòng phế quản bị phù nề làm chít hẹp, kèm theo nhiều chất tiết (đờm) ảnh hưởng đến thông khí, gây khó thở, đó là tình trạng phế quản bị viêm.

Tại sao dễ bị viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển mùa?

Bởi vì NCT có sức đề kháng suy giảm, đặc biệt là người sức yếu, nằm nhiều, bại liệt, ít hoặc không vận động cơ thể rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp, nhất là viêm phế quản cấp. Thời tiết chuyển mùa, nhất là lạnh, mưa nắng thất thường, bệnh càng dễ xuất hiện ở NCT. Nguyên nhân sâu xa gây viêm phế quản cấp tính là do vi sinh vật (vi khuẩn, virút, vi nấm). Bởi vì, ở người bình thường, tại ở đường hô hấp trên (họng, mũi, hầu, thanh quản…) có một số vi sinh vật ký sinh gây bệnh (phế cầu, tụ cầu, Hemophilus influeznzae, Klebsiella, nấm Candida albicans,…) khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng giảm…) chúng sẽ gây bệnh (gây bệnh cơ hội). Bên cạnh đó, trong không khí có vô số vi sinh vật gây bệnh (đặc biệt môi trường bị ô nhiễm nhiều), nhất là các loại virút đường hô hấp (virút cúm…), nếu hít phải, trong khi sức chống đỡ kém sẽ mắc bệnh là điều khó tránh khỏi. Một số NCT nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu, bia hoặc mắc một số bệnh mạn tính (viêm phế quản mạn, viêm họng mũi, hen suyễn hoặc bệnh đái tháo đường…) càng dễ mắc bệnh viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển mùa.

Biểu hiện như thế nào?

Khởi đầu là viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng như: hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng, đau mỏi cơ thể, tức ngực. Nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Với NCT do sức đề kháng kém cho nên rất khó để bệnh tự khỏi, nhất là người đang mắc bệnh mạn tính (viêm phế quản mạn, viêm họng mũi mạn, hen, lao…), nằm lâu, ít vận động, ăn uống thiếu chất.

Thời kỳ toàn phát, có sốt cao 38 - 400C, mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi xương khớp, cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên khi ho. Tuy vậy, một số NCT do sức yếu, nằm lâu, ít vận động nên có thể không thấy sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (do phản ứng của cơ thể yếu). Người bệnh bắt đầu có khó thở từ nhẹ đến nặng, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn nhất là về đêm hoặc khi thời tiết lạnh, ẩm, mưa nhiều. Nếu tác nhân gây bệnh là virút, nhẹ có thể bệnh lui dần, nhưng nếu do vi khuẩn, không điều trị đúng, bệnh trở nên nặng hơn (ho nhiều, có đờm, sốt cao, mệt lả do mất nước, mất chất điện giải và nhiễm độc tố vi khuẩn).

Để chẩn đoán xác định, cần xét nghiệm công thức máu, tốc độ lắng máu, phản ứng CRP, chụp phổi. Nếu thấy cần thiết có thể nuôi cấy chất nhầy phế quản tìm vi khuẩn gây bệnh.

Có gây biến chứng không?

Viêm phế quản cấp, nói chung, tiến triển lành tính (nếu do virút), ở người khỏe mạnh thường tự khỏi sau 2 tuần, không để lại di chứng gì. Tuy vậy, ở NCT, nhất là sức yếu, ăn uống kém, nằm lâu, bại liệt, lú lẫn hoặc có nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu…, nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi cấp tính, phế quản phế viêm cấp, áp-xe phổi (chủ yếu do tụ cầu vàng). Đây là những biến chứng rất nguy hiểm với NCT, nếu không phát hiện hoặc phát hiện muộn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Nguyên tắc điều trị

Khi NCT đột nhiên thấy sốt, ho, mệt mỏi, đau rát họng…, cần đi khám bệnh ngay. Với NCT sức yếu, người nhà cần hết sức quan tâm, nhất là những trường hợp nằm lâu, ít vận động, lú lẫn, ăn uống thất thường rất dễ viêm phế quản cấp do ứ đọng các chất dịch ở phế quản. Nguyên tắc là cần cho NCT nghi viêm phế quản được khám bệnh càng sớm càng tốt, việc điều trị (dùng thuốc gì) thuộc quyền bác sĩ khám bệnh, người bệnh hoặc người nhà không nên tự mua thuốc để điều trị, nhất là việc dùng kháng sinh không đúng sẽ rất nguy hiểm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để hạn chế viêm phế quản cấp, NCT cần vệ sinh họng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng và súc họng nước muối nhạt sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nếu đeo hàm giả, hàng tuần cần vệ sinh sạch sẽ hàm giả để không cho vi sinh vật có nơi ẩn náu. Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Không nên hút thuốc, bất kể là thuốc lào hay thuốc lá, không nên uống nhiều rượu bia. Nên vận động cơ thể đều đặn, chú ý tập thở (hít sâu, thở ra từ từ) hoặc đi bộ (vừa đi vừa hít thở đều đặn).

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm