Cập nhật: 14/01/2019 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Truyền thông giáo dục thiết thực, hiệu quả về quần đảo Hoàng Sa đến với nhiều đối tượng khác nhau là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh VGP/Minh Trang

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” do UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng tổ chức diễn ra vào ngày 12/1.

Theo Ban tổ chức, trong những năm gần đây, TP. Đà Nẵng đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục biển đảo. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương; Hội Khoa học Lịch sử Thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa vào năm 2014.

Việc sưu tầm, tiếp nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa và tiến hành xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của UBND huyện Hoàng Sa và TP. Đà Nẵng trong việc tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

ThS. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, khẳng định việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam. Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa rất rộng nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên mà trước hết là nhà trường ở Đà Nẵng.

“Học sinh hai cấp trung học và sinh viên đại học được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không phải chỉ biết cho có biết mà còn phải biết để hành động, chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa…Theo tôi, sự nhạy cảm chính trị đáng quý ấy phải là sản phẩm chủ yếu của việc tuyền truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong trường học hiện nay”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Nghiên cứu về thực trạng giáo dục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở các trường THPT tại Đà Nẵng, TS. Nguyễn Duy Phương và ThS. Đặng Thị Thùy Dương (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết năm 2017, nhóm nghiên cứu đã điều tra 12 giáo viên và 214 học sinh tại 5 trường THPT tại Đà Nẵng về tầm quan trọng, tần suất tiến hành và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong dạy học lịch sử.

Qua điều tra, phần lớn giáo viên và học sinh tại các trường THPT Đà Nẵng đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển hóa nhận thức đó thành những hành động cụ thể vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo 2 chuyên gia, trong chuyên đề về  “Biển Đông: lịch sử và hiện tại” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa vào nội dung SGK mới, các tác giả cần chú trọng hơn đến việc làm rõ những dấu ấn của văn hóa biển đảo trong cấu trúc văn hóa và tiềm thức của người dân Việt Nam; cập nhật các thành tựu nghiên cứu mới nhất về vấn đề chủ quyền biển đảo như các bản đồ lịch sử do người Việt và người nước ngoài xưa kia vẽ về các đảo, quần đảo của Việt Nam trên biển Đông, điển hình là bản đồ của công ty Đông Ấn (Pháp), bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn, An Nam đại quốc họa đồ… vào trong nội dung của chuyên đề.

Đối với Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cần tạo điều kiện cho các trường THPT trên địa bàn Thành phố tiến hành sưu tầm, tập hợp các loại sách, tài liệu tham khảo về biển đảo, các loại bản đồ, tranh ảnh về quần đảo Hoàng Sa để phục vụ nhu cầu dạy và học các bộ môn xã hội của giáo viên và học sinh, đặc biệt là môn lịch sử. Hay tiến hành treo một số lược đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tại hội trường; phòng bộ môn lịch sử, địa lý… của nhà trường, để tuyên truyền và giáo dục ý thức chủ quyền biển đảo cho học sinh tại các trường THPT.

Nghiên cứu các tài liệu về giáo dục biển đảo cho học sinh THCS, THPT hiện nay, PGS.TS. Lê Hải Đăng, Viện Thông tin Khoa học xã hội, cho rằng :“Cần cẩn thận với các tài liệu trôi nổi trên mạng, nhiều tư liệu cá nhân chưa được kiểm chứng tính xác thực, hoặc không loại trừ những thông tin, tài liệu được tung ra với ý đồ xấu”.

Theo PGS.TS Lê Hải Đăng: “Học sinh, sinh viên cần có sự khuyến cáo của các cơ quan quản lý, của các nhà khoa học, của thầy cô giáo, để các em có thể được tiếp cận các nguồn tài liệu tốt nhất và có độ tin cậy cao nhất”.

Từ đó, theo ông, yêu cầu các thầy cô giáo phải là người chủ động nắm bắt thông tin, tri thức về biển đảo, chọn lọc và giới thiệu cho học sinh những tư liệu xác thực, đúng đắn, có giá trị khoa học cao, truyền cho các em cảm hứng tìm hiểu giá trị biển, nhân lên tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Tổ quốc thông qua các tài liệu về biển đảo.

Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động phối kết hợp: Nhà trường, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quân, Cảnh sát biển trên địa bàn đóng quân, thực hiện các chương trình giúp học sinh tiếp cận các tư liệu, hiện vật biển đảo, thực tế biển đảo, hoạt động ngoại khoá với biển...

Theo Minh Trang/chinhphu.vn

Tệp đính kèm