Cập nhật: 19/01/2019 15:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với môn học Ngữ văn ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên khi đánh giá sẽ phải bảo đảm theo nguyên tắc để học sinh được bộc lộ năng lực và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép và khuyến khích các bài viết cá tính, sáng tạo.

(Ảnh minh họa)

Ngữ văn là môn bắt buộc được học từ lớp 1 đến lớp 12, ở cấp tiểu học, môn học có tên là Tiếng Việt, từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

Theo công bố của Chương trình giáo dục mới, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt, làm công cụ để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Cũng theo Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Ngữ văn là môn học quan trọng giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc, phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống vị tha, nhân ái…

Trong nội dung giáo dục, điểm khác biệt nhất so với trước đây là chương trình môn Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học cơ bản, thống nhất đối với học sinh toàn quốc, ở cấp trung học phổ thông, chương trình có một số chuyên đề học lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể, mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe cho mỗi lớp, quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

Do yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực nên chương trình nhấn mạnh việc hình thành cho học sinh cách học, tự học. Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh về vấn đề đang học, từ đó tìm hiểu, khám phá để tự bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Giáo viên được yêu cầu khuyến khích học sinh trao đổi, tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác.

Khi đánh giá kết quả học tập của học sinh ở môn học này, Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu, dù với hình thức đánh giá nào thì cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính học sinh, không vay mượn, sao chép, khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo. Theo GS,TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay, giáo viên và cán bộ thường không quan tâm đến chương trình, chỉ quan tâm đến sách giáo khoa, sắp tới sẽ thay đổi căn bản việc này. "Khâu đánh giá thì phải bám chắc vào yêu cầu cần đạt chứ không phải dựa vào sách giáo khoa cụ thể" - ông nói.

THANH XUÂN - Ảnh: THÙY LINH

 

 

Theo  nhandan.com.vn

Tệp đính kèm