Cập nhật: 22/01/2019 11:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bao nhiêu việc lớn, nhỏ rất cần ngành văn hóa lên tiếng nhưng đôi khi người ta biết đến sự tồn tại của cơ quan này qua những vụ lùm xùm thi thố sắc đẹp.

Cuối tuần qua, tại hội nghị triển khai công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều vụ việc thể hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội nhưng không thấy ngành văn hóa lên tiếng. Nỗi băn khoăn của ông Vũ Đức Đam cũng là nỗi băn khoăn của toàn xã hội về sự “im lặng” khó hiểu của ngành văn hóa trong thời gian qua.

Hình ảnh người dân phá nát vườn hoa để tham gia lễ hội đêm giao thừa, liệu có liên quan đến ngành văn hóa? Ảnh: Vietnamnet

Quá nhiều vụ việc đau lòng xảy ra xuất phát từ mối quan hệ giữa con người với con người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Người ta có thể giết nhau chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ. Con giết mẹ, trò đánh thầy, xung đột vợ-chồng, anh-em không thể giải quyết trong gia đình, những cái chết lãng xẹt từ những câu nói vu vơ hay thái độ thiếu thiện chí. Giải quyết hậu quả cuối cùng là cơ quan pháp luật nhưng ngọn nguồn của sự xuống cấp đạo đức, ngành giáo dục hay ngành văn hóa liên đới? Người ta nhìn nhau và cuối cùng là sự... im lặng.

Nhưng ngay cả những hình ảnh phản cảm liên quan trực tiếp đến văn hóa như hiện tượng xả rác ở nơi công cộng, ở danh lam thắng cảnh, chà đạp lên cỏ cây, hoa lá để “góp vui” trong những lễ hội đông người hay bôi bẩn vào di tích ở trong và ngoài nước… Dư luận bức xúc, cộng đồng mạng phản ứng dữ dội về hình ảnh xấu xí của người Việt, nhưng ngành văn hóa vẫn nghĩ rằng, đó hình như không phải việc của mình. Bóng dáng của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa dường như rất mờ nhạt. Không chủ động lên tiếng đã đành, ngay cả khi báo chí muốn liên hệ phỏng vấn cũng khó.  

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu những người làm văn hóa từ nay trở đi, trước những vấn đề nóng của xã hội, cần đưa ra những phân tích, đánh giá để định hướng dư luận. Mà không chỉ những vụ việc lớn, ngay cả những sự việc “dù rất bé” thì cơ quan này cũng phải có ý kiến, hàng tuần, hàng tháng.

Bức tranh xuống cấp của đạo đức xã hội đã không ít lần hiện diện tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu của dân thể hiện thái độ lo lắng, sốt ruột. Thậm chí, có đại biểu ao ước "giá như kinh tế như ngày nay và đạo đức như ngày xưa”, nuối tiếc với những điều tốt đẹp đã từng tồn tại trong xã hội. Đó là tình làng nghĩa xóm, là sự sẻ chia lúc hoạn nạn, khó khăn, là sự trung thực ở mớ rau con cá, là tôn ti trật tự trong xã hội… Nỗi lo lắng của đại biểu Quốc hội được luận giải sao đây. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội là do mặt trái của cơ chế thị trường hay do giáo dục chưa đến nơi đến chốn, do bản sắc văn hóa không được coi trọng, giữ gìn?

Bao nhiêu việc lớn, nhỏ rất cần ngành văn hóa lên tiếng nhưng đôi khi, xã hội biết đến sự tồn tại của cơ quan này, có khi chỉ qua những vụ lùm xùm liên quan đến thi thố hoa hậu nọ hay người đẹp kia. 

Năm hết, Tết đến. Một mùa lễ hội trải dài khắp 3 miền đất nước đang đón đợi. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người ta lại thấy ngành văn hóa “tất bật” lo đối phó với sự biến tướng, phản cảm hay trục lợi trong các lễ hội. Hết cuộc họp nọ đến cuộc họp kia được tổ chức từ cấp Trung ương đến cơ sở. Ngành văn hóa có đáng phải “vất vả” như vậy không khi trách nhiệm đã được trao cho các địa phương. Cũng giống như các lĩnh vực khác, Chính phủ nhiều lần khẳng định, địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Văn hóa là cốt lõi của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và mỗi dân tộc. Sự phê bình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với thái độ im lặng, dửng dưng của ngành văn hóa, có lẽ rất đáng để suy ngẫm, nhất là với những ai thật sự đau đáu với văn hóa dân tộc, với sự phát triển bền vững của đất nước./. 

Theo Quốc Phong/VOV.VN

 

Tệp đính kèm