Cập nhật: 23/01/2019 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dọc Quốc lộ 6 từ Sơn La đi Hà Nội, đoạn tiểu khu 10 xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mùi bánh gai thơm nức đã níu chân du khách mỗi lần qua đây.

Bánh gai Hát Lót được bà con địa phương biết đến khá lâu, bắt nguồn từ làng nghề truyền thống bánh gai ở Yên Sở, Hà Tây. Khác với thường ngày, cứ mỗi dịp giáp Tết, nơi đây lại trở nên rộn ràng và bận rộn hơn, bếp lửa trong các gia đình làm bánh ngày đêm đỏ rực, cho ra hàng nghìn mẻ bánh cung cấp theo đơn đặt hàng ở khắp các tỉnh.

 

Những chiếc bánh gai được hấp nóng hổi.

Chị Nguyễn Thị Dịu ở bản No, Chiềng Mung, một vị khách thường xuyên mua hàng chia sẻ: "Tôi cũng đi qua đi lại đây rất nhiều lần, nhìn thấy hàng bánh gai làm cũng ngon, đảm bảo chất lượng và uy tín, nên mỗi lần đi qua đều ghé vào mua về ăn và làm quà".

Gia đình bà Trần Thị Soi là một trong những hộ làm bánh gai lâu năm và có tiếng ở nơi đây. Trước đây, bà làm bánh chỉ để phục vụ cho gia đình mỗi dịp lễ tết, hay làm để ăn, sau này được nhiều người khen ngon nên bà quyết định làm để bán.Thời gian đầu, gia đình chỉ làm phục vụ bà con trong khu vực và người qua đường, mỗi ngày khoảng 50-100 chiếc với giá bán 20.000/10 chiếc. Dần dần, bánh gai ở đây ngày càng được nhiều người biết đến, đặt mua. Đến nay, mỗi ngày gia đình bán được 400 đến 500 chiếc bánh, mỗi dịp lễ tết có ngày còn bán được hơn 1000 chiếc, với giá 40.000 đến 50.000 đồng/ 10 chiếc.

Bà Soi vừa gói bánh vừa chia sẻ cách làm ra những chiếc bánh ngon.

Để làm ra những chiếc bánh gai ngon thì không thể bỏ qua bất kỳ một công đoạn nào, tỉ mỉ từ quy trình làm, nguyên liệu phải chọn kỹ lưỡng, chất lượng ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm là điều rất quan trọng tạo sự tin tưởng, thu hút người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Soi cho biết: "Làm ra chiếc bánh này phải qua rất là nhiều công đoạn, nhưng lãi lại không được cao. Nhưng với người làm bánh, chỉ cần khách hàng hài lòng, ngon miệng là quan trọng nhất".

Nghề làm bánh gai đã làm tăng thêm nguồn thu ổn đinh, giúp bà con nơi đây thoát được nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vị, quê ở Phú Thọ, khi mới lên đây, nguồn thu chủ yếu của gia đình từ làm nghề nông như: Trồng mía, trồng cà phê, chăn nuôi, nhưng cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống. Từ khi bắt đầu làm bánh gai đến nay, nguồn thu của gia đình ổn định và khấm khá hơn.

 

Chị Vị đang nặn bánh và kể những câu chuyện về làng bánh gai.

Mỗi năm, cả bánh gai và các nguồn thu khác, đã cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng, Chị Nguyễn Thị Vị chia sẻ: "Ban đầu chỉ được vài chục cái mỗi ngày, dần dần cũng được vài trăm, đôi ba trăm. Những ngày lễ, ngày nghỉ, có khi bán được 500-700 hoặc 1000 cái".

Tiểu khu 10, xã Hát Lót có hơn 160 hộ dân, đến nay đã có hơn 50 hộ làm bánh gai, tỉ lệ khá giàu 25 đến 30%, nghèo chỉ còn 1 hộ. Nhờ có bánh gai và các nguồn thu khác, thu nhập bình quân mỗi năm là 35 triệu đồng/ người/ năm. Trong những năm tới, chủ trương của xã Hát Lót sẽ xây dựng làng nghề bánh gai truyền thống.

Ông Nguyễn Đình Tuyên, Bí thư chi bộ tiểu khu 10 xã Hát Lót nói: "Chi bộ đang tập trung rà soát tất cả những hộ sản xuất bánh gai, chấp hành theo nghị quyết của Đản uy, xã Hát Lót, chi bộ cũng ra nghị quyết chuyên đề theo định hướng năm 2019-2020 sẽ đưa vào làng nghề để sản xuất, sẽ tổng hợp để mở hợp tác xã, doanh nghiệp. Dưới sự chủ trì của lãnh đạo, chi bộ, do hội nông dân quản lý thì chủ trương này đã được Đảng ủy xã báo cáo với huyện ủy Mai Sơn, huyện ủy Mai Sơn đã chấp nhận và đã xây dựng kế hoạch này, trong đề án từ nay đến 2021 sẽ hoàn thành".

Cứ mỗi dịp giáp Tết, chiếc bánh gai đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình, không chỉ ở địa phương, mà còn trên khắp các tỉnh thành phố. Các đơn đặt hàng dịp này lên đến hàng nghìn chiếc. Bánh gai Hát Lót đang mang thương hiệu đi khắp mọi nơi, góp phần phong phú hơn cho đặc sản núi rừng Tây Bắc./.

Theo CTV Đắc Thanh/VOV.VN

Tệp đính kèm