Cập nhật: 03/02/2019 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngoài Tết Nguyên đán, người Dao trên núi tổ Ba Vì, Hà Nội, còn có một cái Tết rất quan trọng được tổ chức trong tháng 12 âm lịch gọi là Tết Nhảy. Tết Nhảy kéo dài ba ngày ba đêm và được chuẩn bị khá công phu.

Một nghi thức trong Tết Nhảy.

Tết tạ ơn tiên tổ

Núi Ba Vì có khoảng hai nghìn người Dao quần chẹt đã và đang sinh sống. Cách gọi này dựa vào trang phục có quần bó sát chân, gọi Dao quần chẹt để phân biệt với các nhánh Dao quần trắng, Dao tiền, Dao Thanh y, Dao Đỏ… Theo cuốn sách được chép lại bằng chữ Hán, màu giấy đã ngả vàng; mỗi độ làm Tết Nhảy, lại được mang ra để ôn lại truyền thống trong ánh lửa bập bùng giữa nhà: Người Dao có nguồn gốc xa xưa từ đảo Hải Nam (Trung Hoa), họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (khoảng cuối thế kỷ 17).

Để đến được đất Việt, sống ở vùng núi như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ, vượt núi, vượt sông, vượt biển. Biển to, sóng lớn, thuyền bè thô sơ, sức người yếu đuối, con cu li buộc ở mũi thuyền để báo gió bão bỗng ôm mặt khóc như người, mười hai dòng họ vượt biển bị bão táp cuồng phong đe dọa nhấn chìm. Cả đoàn người mang bát hương ra rồi nhảy múa để cầu khấn Bàn Vương (tổ tiên người Dao), cầu khấn thánh thần như những nghi lễ mà thủy tổ loài người xa xưa đã từng thực hiện. Rồi bể lặng, trời êm, người họ Triệu Mốc nguyện từ rày về say sẽ làm đám Chay Tập Đàng; bốn nhánh họ Triệu và các họ còn lại hứa sẽ làm Tết Nhảy, sẽ mổ gà lợn múa hát trong ba ngày ba đêm để tạ ơn tiên tổ.

Hai thầy mo đang làm lễ khai đàn.

Chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Triệu Văn Đỉnh (Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, Ba Vì, Hà Nội), người phụ nữ trung niên quan sát một lượt rồi hỏi thân thiện “Vào nhà ông Đỉnh ăn Tết Nhảy à? Sao tuần trước không lên nhà cô, nhà cô vừa tổ chức Tết Nhảy hôm Thứ 5, vui lắm cả làng đến ăn Tết”. Thái độ nhiệt tình của người chỉ đường khiến chúng tôi cảm thấy phấn chấn và càng tò mò hơn về cái Tết đặc biệt mà người Dao ở Ba Vì vẫn luôn tự hào là những người Hà Nội duy nhất có Tết Nhảy.

Một năm, người Dao ăn hai cái Tết lớn là Tết Nguyên Đán và Tết Nhảy. Tết Nguyên Đán thì nhà nào nhà nấy lo, còn Tết Nhảy thì phải có đủ điều kiện mới đăng cai được, đến lượt nhà nào tổ chức thì nhà ấy vinh dự lắm. Với người Dao quần chẹt nơi Ba Vì linh thiêng này, một đời người, dù sớm dù muộn cũng phải một lần làm Tết Nhảy để tạ ơn Bàn Vương đã cứu giúp, đã giữ tính mạng để con cháu người Dao sinh sôi cho đến ngày nay.

Những nghi thức quan trọng trong Tết Nhảy

Trong suốt ba ngày diễn ra Tết Nhảy, trai đinh trong bản với sắc áo chàm truyền thống thay nhau nhảy các điệu múa chuông, múa gậy, múa rìu, phụ nữ và trẻ con với trang phục truyền thống, sặc sỡ như những bông hoa đứng ngồi kín trong sân, ngoài ngõ. Tiếng nhạc, tiếng thanh la, kèn trống bên ánh lửa bập bùng hòa quyện với tiếng dao thớt rộn ràng, tiếng củi cháy nổ lép bép tạo nên không khí vui nhộn kéo dài trong suốt những ngày diễn ra Tết Nhảy.

Ngoài bánh dày và thịt gà, lễ cúng bắt buộc phải có một cái thủ lợn.

Để làm được Tết Nhảy, trước hết gia đình phải có bàn thờ tổ và sắm đủ bộ tranh thờ. Bàn thờ được đóng bằng gỗ (trước kia làm bằng tre, nứa), hình dáng giống một cái tủ con, cao tầm hai mét, đặt ở góc tường của gian ngoài (gian chính), tuỳ theo hướng nhà mà đặt bên trái hay phải. Giữa bàn thờ tổ bày một bát hương lớn và hai bức tranh, tượng trưng cho tổ tiên theo từng thứ bậc.

Người Dao ở Ba Vì có phong tục thờ chó đen và không ăn thịt chó. Lý giải về phong tục này, ông Triệu Phú Đức (Nguyên Chủ tịch xã Ba Vì) xa xăm nhớ lại: Theo truyền thuyết xa xưa, Bàn Vương (thuỷ tổ của người Dao) đã ẩn mình trong hình ảnh của con chó đen thông minh, lanh lợi, dùng mõm của mình bịt lại chỗ thuyền thủng, giúp người Dao cổ vượt biển Đông di cư sang Việt Nam an toàn. Ông cho biết thêm, ba thứ không thể thiếu trong Tết Nhảy là: bánh dày, bộ tranh và thầy mo.

Ngoài ra, khác với cách bốc bát hương của người Kinh, người Dao chuẩn bị bát hương một cách rất cầu kỳ. Để làm được bát hương, gia chủ phải chọn ngày đẹp, đi xin gạo và các loại cây thơm (trầm, quế,..) của ba đến bốn họ khác nhau trong bản. Sau đó, dưới sự làm chứng của mọi người, chủ nhà đốt tất cả lên thành tro rồi đổ vào bát hương cùng với một chút vàng hoặc bạc, lúc bấy giờ bát hương mới được hoàn thành.

Mâm cỗ đãi khách trong Tết Nhảy.

Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, cần có đủ bộ tranh treo lên tường suốt thời gian diễn ra nghi lễ. Tranh thờ vẽ những vị thần trên trên trời, dưới đất không thiếu một ai, bộ tranh không chỉ thể hiện tín ngưỡng mà còn mang tính giáo dục rất cao. Tranh phải thuê thầy vẽ, chia làm ba lần mua theo đúng trình tự. Sau khi mua đủ 22 tranh còn phải mời thầy mo đến nhà, thịt một đầu lợn, một con gà, mời thầy mo đến làm lễ khai quang thì bộ tranh mới có giá trị.

Trong suốt quá trình diễn ra Tết Nhảy, phụ nữ người Dao không được vào nhà gian chính mà chỉ được đứng ngoài theo dõi và lo các công việc bếp núc. Phụ nữ Dao Ba Vì ai cũng biết uống rượu, nhưng không ai ép nhau. Họ uống rượu để vui cùng gia chủ chứ không uống say, ai uống được bao nhiêu thì uống. 
Trung bình cứ ba đến bốn tiếng, sau khi kết thúc một bài nhảy chủ nhà sẽ mổ lợn, gà làm cơm để đãi khách.

Phụ nữ người Dao chỉ được ngồi ngoài theo dõi Tết Nhảy.

Sau bữa tiệc nguyên sơ, hai thầy mo cùng các trai đinh xếp thành vòng tròn, vừa cầm thanh la gõ, vừa nhảy theo vòng tròn của mình, vừa giữ vòng tròn lớn cùng các thành viên khác, chính những động tác giản đơn, hoang sơ và nguyên thủy ấy lại gợi lên điều gì mê đắm lạ thường. Mỗi con người trong mỗi lượt nhảy đều thành kính, hoan hỷ và đắm say, trong ánh mắt, nét mặt của mỗi người đều ánh lên niềm tự hào, kiêu hãnh. Cuộc nhảy kéo dài suốt đêm, hết ba bài nhảy thì giải lao, những người phụ nữ lại bê lên những mâm thịt lợn lửng, rượu men lá, mặt ai cũng đỏ bừng bên ánh lửa. Trong nhà tiếp tục nhảy, ngoài hiên, ngoài sân, dân bản tụ hội lại để cùng sống trong không khí hoang sơ mà linh thiêng ấy.

Nét mới Tết nhảy hôm nay

Trước kia, Tết Nhảy sẽ phải làm trong ba năm liên tiếp. Năm đầu tiên Tết nhảy diễn ra trong một ngày, một đêm; năm thứ hai diễn ra trong hai ngày hai đêm, năm thứ ba làm trọn ba ngày, ba đêm không ngừng nghỉ.

Điệu múa gia binh nhập binh tái hiện lại hình ảnh người Dao săn bắn, hái lượm và chống lại kẻ thù xâm lược.

Ông Triệu Tiến Nhàn, Trưởng ban văn hóa xã Ba Vì, cho biết: Hiện nay, để tránh lãng phí, hao tốn tiền của và nhân lực, người Dao đã rút ngắn tất cả xuống còn hai ngày hai đêm và chỉ phải thực hiện trong vòng một năm duy nhất. Từ ngày thực hiện đời sống mới, người Dao quần chẹt trên Tản Viên Sơn mới bớt lo lắng, lao đao. Nhà nào kinh tế khá, có khả năng lo được Tết thì đăng ký với cả làng.

“Với những nghi lễ như trước đây, để Tết Nhảy được trọn vẹn, gia đình đăng cai phải lo mỗi năm một loạt trâu bò, lợn gà giết thịt để mời làng; mà đời người ai cũng phải làm Tết Nhảy một lần nên nhiều nhà làm Tết xong thì khánh kiệt, nợ nần chồng chất đến cả đời con cháu”, ông Nhàn nói.

Theo THANH TRÀ, MỸ BÌNH, NGỌC CHÂM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm