Rất nhiều loài hoa, đặc biệt là hoa Xuân không chỉ đẹp, chỉ thơm, mà còn có tác dụng chữa bệnh, chống lão hóa.
Hoa cúc chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số acid amin và nhiều nguyên tố vi lượng
Hoa cúc: Hoa cúc có khoảng 13.000 loài, trong đó 2 loại hoa hay được dùng làm thuốc là bạch cúc (cúc trắng) và kim cúc (cúc vàng).
Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hỏa. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt.
Còn theo Tây y, hoa cúc chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số acid amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen - một nguyên tố khử gốc tự do điển hình, chống oxy hoá, chống lão hoá, và crom - chất phân giải, bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch.
Nếu muốn trường xuân, bất lão, bạn hãy lấy mầm cúc tháng 3 âm lịch, lá tháng 6, hoa tháng 9, gốc rễ tháng 12, lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột, rồi hoàn bằng hạt đậu xanh, uống 10-15g, ngày 2 lần lúc đói.
Để chữa chứng đau đầu kèm mắt đỏ do thời tiết nắng gắt gây cảm mạo do hoả bốc, lấy 30g hoa cúc, 20g kim ngân hoa, lá dâu tằm 15g, tất cả hãm nước thật sôi, uống nóng, cách nhau 2-3 giờ.
Chữa tăng huyết áp: Hoa cúc 10g, hoa hoè 6g, thảo quyết minh 10g… tất cả cho vào 500 ml nước sắc kỹ, chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân 3g… sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày liền.
Hoa đào: Có vị đắng, tính bình, không độc, vào 3 kinh tâm, can và vị; có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, đau vùng tim, mụn nhọt…
Người xưa cũng dùng để chữa chứng rụng tóc, hói đầu bằng cách dùng bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ.
Để trị các vết nám ở mặt, người ta dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 g ngay sau bữa ăn. Hoặc dùng hoa đào tươi 50 g và nhân hạt bí đao 50 g nghiền nhỏ trộn với mật ong rồi bôi mỗi ngày vài lần lên da mặt.
Hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường thành cháo, có tác dụng hoạt huyết.
Hoa đào 10g nấu với gạo thành cháo, ăn mỗi ngày, hoặc có thể dùng ít gạo nếp nấu xôi, xong rắc men rượu lên, làm cho nó lên men thành rượu nếp dùng hoa đào trộn vào rượu nếp ăn… trị chứng đau thắt lưng rất hiệu nghiệm.
Hoa mai trắng: Theo Đông y, hoa mai trắng vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp.
Theo y học hiện đại, hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao...
Muốn khỏi bệnh liệt dương: Dùng hoa mai, hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa hẹ, trầm hương mỗi thứ 30g cùng với 240g nhân hạt đào, 2.500 ml rượu… tất cả cho vào túi lụa treo vào trong 1 hũ sành sứ bịt kín miệng. Ngâm 1 tháng lấy ra uống, mỗi lần uống 20 ml, ngày uống 2 lần sau 2 bữa ăn chính.
Chữa tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai trắng 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì uống thay nước trong ngày.
Chữa chứng chán ăn: 6g hoa mai trắng, 15g đậu ván, 20g sơn tra khô trộn đều và chưng cách thủy cho nhừ hoa. Uống lúc khi còn ấm, sau bữa tối khoảng 1 giờ.
Đông y thường sử dụng hồng đỏ và trắng để làm thuốc
Hoa hồng: Có nhiều loại hoa hồng, nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.
Đặc biệt, hoa hồng dùng thể làm đẹp, dưỡng da, trị mụn rất hiệu quả.
Để tẩy sạch lớp tế bào chết: Lấy một vài cánh hoa hồng giã nát cùng mấy giọt hành nhân, rồi đắp hỗn hợp vừa tạo lên da, để 10 phút, sau đó rửa sạch lại với nước mát. Thực hiện 2 lần/tuần, da không những sạch lớp tế bào chết, bụi bẩn, mà còn trắng mịn và tươi tắn hơn.
Làm mặt nạ dưỡng trắng da: 1/2 thìa cà phê bột cánh hoa hồng, 1 thìa cà phê sữa tươi không đường, 1 thìa cà phê bột mỳ… trộn đều tạo nên hỗn hợp đặc sền sệt. Thoa nhẹ nhàng hỗn hợp vừa tạo lên da mặt, để 10-15 phút lớp mặt nạ khô và dùng tay bóc đi, rồi rửa sạch lại mặt với nước mát. Áp dụng thường xuyên 3-4 lần/tuần, bạn sẽ thấy làn da của mình có sự thay đổi rõ rệt.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa hồng bạch 9-15g, sắc uống hằng ngày, hoặc hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được.
Chữa ho, khái huyết do phế hư: Hoa hồng bạch 15g, đường phèn lượng đủ dùng, sắc hoặc hấp uống hàng ngày, uống còn nóng. Uống liền 1 tuần.
Nếu trẻ em ho do lạnh có thể lấy cánh hoa hồng bạch còn tươi 15g, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn… tất cả cho vào chén nhỏ hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ, rồi nghiền nát, trộn đều và gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Hoa đỗ quyên: Vị chua ngọt, tính ấm, vào 2 kinh can tỳ, tác dụng hòa huyết, điều kinh, trừ đàm, chỉ khái, khử phong thấp, làm hết ngứa, vì vậy được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, tổn thương do ngã, phong thấp, thổ huyết, chảy máu cam.
Những chị em thân thể khô gầy, kinh nguyệt không đều, hãy dùng hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành 1 củ, rượu 1/2 thìa, gia vị vừa đủ nấu chín cùng 3 bát nước.
Mệt mỏi bồn chồn: Lấy 8g hoa đỗ quyên trộn đều với 8g hoa hồng rồi hãm uống nóng thay trà.
Đau bụng kinh, đau lưng: Rễ đỗ quyên 30g, rễ hải kim sa 30g, ô dược 15g… trộn đều, sắc uống trước kỳ kinh.
Thạch hộc
Hoa lan phi điệp: Nhiều loài lan, ngoài việc được dùng làm cây cảnh còn là vị thuốc quý được Đông y sử dụng, trong đó điển hình là lan phi điệp.
Lan phi điệp, hay còn gọi là thạch hộc, có vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và thận; có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhẹ, tăng tiết dịch vị, trợ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột và thông tiện, nhưng liều cao thì tác dụng ngược lại làm tê liệt cơ ruột. Thạch hộc còn có tác dụng làm tăng đường huyết ở mức độ trung bình, lượng cao thạch hộc có thể ức chế hô hấp, tim, hạ huyết áp.
Trường hợp sốt khát nước, mồm khô, có thể dùng thạch hộc 8-16g sắc uống giải khát, nếu sốt cao kết hợp với thạch cao, tri mẫu.
Trị chứng vị nhiệt (thường có lở loét mồm), kèm ăn vào dễ nôn, nôn khan (trường hợp viêm dạ dày mạn): Thạch hộc 12g, bắc sa sâm 16g, mạch môn, hoa phấn, bạch biển đậu, trúc nhự tươi mỗi thứ 12g, giá đậu tươi (mầm đậu sống) 16g, sắc uống.
Thuốc trị ho, đầy hơi: Thạch hộc 6g, mạch môn đông 4g, trắc bá diệp 4g, trần bì 4g sắc với nước 300 ml còn 200 ml, uống trong ngày.
Hoa thủy tiên: Có chứa nhiều độc tố có thể gây hại đến sức khỏe, nhưng vẫn được dùng để trị ho gà, cảm lạnh và hen suyễn. Người ta cũng dùng thuốc từ thủy tiên để gây nôn mửa.
Đặc biệt, hoa thủy tiên có tác dụng chống ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer, giảm đau, kháng viêm. Củ thủy tiên có tác dụng gây mê, làm trầm cảm hệ thần kinh; làm mờ vết tàn nhang. Rễ hoặc củ loại cây này giã nát trộn với mật ong dùng đắp ngoài da để trị phỏng, sẹo vết thâm tím, sưng khớp, đau gót chân, đau tai…
Nước sắc rễ cây thủy tiên là liều thuốc gây nôn rất hiệu quả. Củ loài cây này nghiền nát trộn với bột bánh lúa mạch nướng dùng bôi ngoài da để làm mềm các chỗ sưng cứng, rút ra gai, mảnh vụn găm vào thịt.
Lương y Vũ Tuấn Lương
Theo chinhphu.vn