Cập nhật: 04/02/2019 16:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thần Nam Hải là một tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân miền biển. Vào mùa xuân hằng năm, dân làng chài tổ chức Lễ hội Cầu Ngư.

Những ngày đầu năm mới, khắp các làng chài ven biển miền Trung rộn ràng không khí Lễ hội Cầu Ngư, mở đầu mùa mở biển mới. Đặc biệt là Lễ cúng Cá Ông, Thần Nam Hải. Từ bao đời nay, nghi lễ này gắn chặt với cuộc sống ngư dân. Đầu xuân mới, mời quí vị và các bạn đến làng chài ven biển miền Trung lắng nghe những câu chuyện ly kỳ về cá Ông cứu người và tục thờ Thần Nam Hải của ngư dân nơi đây.

Lễ hội Cầu ngư diễn ra dịp đầu năm mới ở các làng chài ven biển

Không biết tự bao giờ, những câu chuyện ly kỳ về ngư dân gặp nạn trên biển được Cá Ông cứu giúp cứ lan truyền trong dân gian. Và cũng từ rất lâu, ngư dân các làng chài ven biển luôn tin rằng, Cá Ông, thần Nam Hải sẽ giúp đỡ và phù hộ cho họ luôn bình an, tôm, cá đầy khoang trong mỗi chuyến vươn khơi. Theo lão ngư Võ Bình, ở làng chài Vũng Tàu, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì hầu hết các làng chài đều có lăng thờ Cá Ông, thần Nam Hải. Khi Cá Ông mắc cạn lụy vào bờ, dân làng tổ chức khâm liệm, chôn cất trên đụn cát ven bờ theo đúng nghi lễ truyền thống.

"Lăng Ông là lăng thờ ông Thần Nam Hải. Ông Nam Hải rất hiền từ, Ổng giúp người, ổng cứu người. Thuở trước, ngư dân đi thuyền buồm, bị tố lốc, bị chìm ghe thì vái ngài, Ổng cứu liền. Ổng lên gọi cho mình biết để mình đừng sợ. Sau đó, Ổng quần, Ổng dựa đưa mình lên trên lưng đưa vào bờ. Ở đây cũng có đôi, ba người vậy. Nên có một người khi được Ông cứu, ổng về nghỉ biển, xin làm từ để thắp hương cho Ông", lão ngư Võ Bình cho biết.

Tục thờ cá Ông, Thần Nam Hải là tín ngưỡng dân gian của ngư dân miền biển

Việc thờ cúng Cá Ông, thần Nam Hải khởi nguồn từ tục thờ cá của người Việt và được củng cố dưới vương triều nhà Nguyễn. Ngư dân Trần Thanh Minh, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: "Khi chưa cúng thì bà con mình chưa thể xuất hành đi biển được. Đầu năm, các chủ vạn đều phải cúng xin để bà con đi xuất hành đầu năm đi đánh bắt cho an toàn. Cho nên, tín ngưỡng của bà con ngư dân lớn lắm".

Sau phần nghi lễ, ngư dân hòa mình không khí lễ hội

Theo ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thì Lễ hội Cầu Ngư, tục thờ Cá Ông, thần Nam Hải là một tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân miền biển. Vào mùa xuân hằng năm, dân làng chài tổ chức Lễ hội Cầu Ngư, cúng Cá Ông theo nghi lễ truyền thống. Sau phần nghi lễ, bà con ngư dân hòa mình vào không khí lễ hội với các điệu múa, hát Bả trạo. Cũng theo ông Cao Văn Chư, Lễ hội Cầu Ngư là dịp gắn kết cộng đồng, trao truyền, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ngư dân.

"Ở vùng biển thì tín ngưỡng thờ Cá Ông, thực chất là thờ một loài vật. Loài vật giúp con người này được thần thánh hóa. Hình tượng đó được coi như một vị thần. Vấn đề này, liên quan đến niềm tin của con người khi người ta đi trên biển thì có trời đất ủng hộ, phản ánh tâm thức về tín ngưõng. Đây là một điều hết sức đặc biệt. Tôi nghĩ, vấn đề này, nhắc nhở chúng ta, trong môi trường đó có những hiểm họa, đồng thời có sự che chở. Điều này luôn luôn nhắc nhở con người phải có sự cân bằng trong đời sống tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, chúng ta nên có sự cân bằng giữa các mặt khác nhau", ông Cao Văn Chư chia sẻ.

Hầu hết các làng chài ven biển đều có lăng thờ cá Ông, thần Nam Hải

Tết đến, xuân về, khắp các làng chài ven biển miền Trung rộn ràng Lễ hội Cầu Ngư. Đây cũng là dịp ngư dân dâng lễ, cầu xin mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền tôm, cá đầy khoang./.

Vinh Thông/VOV - Miền Trung/VOV.VN

Tệp đính kèm