Đi lễ chùa trong ngày đầu của năm mới là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Giữa sự hân hoan đón năm mới, nhiều người đến viếng cảnh chùa để hướng về các bậc tổ tiên và cầu mong mọi điều tốt lành cho gia đình, người thân, mong cho đất nước luôn thái hòa, tươi đẹp. Ghi nhận trong ngày đầu năm mới Kỷ Hợi tại TPHCM.
Lễ chùa đầu năm, mong điều tốt lành
Đã thành nếp quen, hằng năm cứ sau khi đón giao thừa, cúng gia tiên ở nhà xong, gia đình bà Phạm Thị Bích Ngà lại có mặt ở Việt Nam Quốc Tự (Q.10) để lễ Phật đầu năm. Theo truyền thống của người Việt, đi chùa vào những giờ phút đầu tiên của năm mới rất có ý nghĩa, để cầu mong mọi điều tốt lành cho cả nhà và để hướng về tổ tiên, ông bà. Năm nay có cả chàng rể Tây cùng cả nhà bà Ngà đến chùa lễ Phật.
Giữa tiếng chuông ngân, giữa khói hương trầm nghi ngút, giữa không gian lắng đọng của những giờ phút thiêng liêng đầu năm mới, mọi người cùng thành tâm dâng nén hương thơm lên Đức Phật, thỉnh hồi chuông đầu năm, xin nhành lộc biếc để cầu nguyện cho gia đình, người thân, cho đất nước thái hòa, nhân sinh an lạc.
Đến chốn cửa thiền, mọi người còn dành nhiều tâm nguyện, dành nhiều sự sẻ chia cùng đóng góp với nhà chùa để chăm lo cho những người kém may mắn. Truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc hòa quyện với bản chất “từ bi – hỷ xả, cứu độ chúng sinh” của nhà Phật tạo nên những nét đẹp rất mộc mạc, đời thường mà cao đẹp, được đồng bào, Phật tử, nhất là giới trẻ hướng đến.
Với nhiều người dân miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đi chùa đầu năm vừa là sinh hoạt tôn giáo vừa là nét văn hóa trong việc giữ gìn những truyền thống của người Việt xưa, của Tết cổ truyền Việt Nam, được lưu truyền nhiều đời, từ khi các thế hệ cha ông đi mở mang bờ cõi, lập nên vùng đất này từ hơn 320 năm trước.
Theo Truyền hình Thông tấn